Theo báo cáo của Chi cục Hải quan Bát Xát (Lào Cai), từ đầu tháng Tám đến nay, cửa khẩu này mới xuất trên 16.000 tấn hàng nông sản; trong đó, gần 12.000 tấn đường kính trắng, 2.000 tấn gạo và 2.000 tấn mủ cao su...
Trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 tấn hàng nông sản xuất khẩu, bằng khoảng 20% so cùng kỳ năm 2014.
Theo chỉ đạo của tỉnh Lào Cai về việc quản lý hoạt động tạm nhập tái xuất hàng hóa tên địa bàn, từ ngày 1/8/2015, hoạt động tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh qua cửa khẩu phụ Bản Vược tạm dừng để sắp xếp lại cho phù hợp với điều kiện thực tế và mục đích ưu tiên nhóm hàng nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu nhóm hàng này từ đầu tháng Tám đến nay rất hạn chế.
Chi cục Hải quan Bát Xát và các ngành chức năng khẳng định, mặt hàng đông lạnh tạm nhập, tái xuất không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng nông sản qua khu vực Bản Vược bởi thời gian qua, phía bạn cũng không nhập mạnh mặt hàng này như trước kia dù hàng nông sản luôn được ưu tiên xuất, thậm chí giá cước vận tải cũng thấp hơn hàng thông thường.
Ông Hoàng Hà, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Hà, cho biết doanh nghiệp này có gần 100 phương tiện chuyên chở hàng qua sông và hàng trăm thợ bốc vác có thể luân chuyển hàng chục nghìn tấn hàng mỗi ngày. Nhưng từ cuối tháng Bảy đến nay, lượng hàng qua sông (kể cả hàng nông sản và đông lạnh) đều giảm, chỉ 20% số phương tiện tàu thuyền của công ty hoạt động. Do vậy, doanh nghiệp đã phải bố trí cho công nhân, thợ bốc vác nghỉ việc chuyển sang tu sửa lán trại...
Còn theo bà Trương Thị Thu Hà, nhân viên phụ trách kho bãi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuân Phát, từ đầu năm đến nay, công ty này đã xuất khẩu hơn 10.000 tấn gạo qua các cửa khẩu, lối mở của tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, sang quý 3, việc xuất khẩu gạo tạm thời bị đình trệ, tồn đọng tại kho khoảng 4.000 tấn. Làm việc với các cơ quan chức năng như Biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch thực vật được biết việc xuất hàng nông sản nói chung và mặt hàng gạo nói riêng thời gian này gặp khó khăn là do cơ chế, chính sách, quy định của phía Trung Quốc về nhập khẩu mặt hàng này.
Thời điểm tháng Một, Hai, nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc lớn do phải dự trữ cho mùa đông kéo dài. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại (tháng 6-7), đúng vào vụ thu hoạch lúa, nhu cầu tiêu thụ và dự trữ gạo của Trung Quốc giảm (nhất là các tỉnh vùng tây nam Trung Quốc, giáp với Lào Cai) nên phía Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu gạo từ bên ngoài vào nội địa.
Ông Hoàng Chí Hiền, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai, cho biết hiện trên địa bàn thành phố Lào Cai tồn đọng khoảng 20.000 tấn gạo chờ xuất khẩu. Trong số đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhẫn Hồng Ngọc Việt 4.000 tấn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Việt-Tú 7.000 tấn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Thiên Nhiên 9.000 tấn, Chi nhánh Tây Bắc (Tổng Công ty lương thực miền Bắc) 1.000 tấn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuân Phát trên 5.000 tấn… Hầu hết, các công ty này đều có kho bãi tại Lào Cai để bảo quản hàng hóa khi tồn ứ.
Theo kiến nghị của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn Lào Cai, đối với mặt hàng nông sản xuất khẩu, các bộ, ngành chức năng cần có cơ chế linh hoạt xử lý cho thông quan khi có điều kiện thuận lợi chứ không để tồn đọng gây tốn kém từ chi phí lưu kho, lưu bãi như hiện nay (kể cả mặt hàng đông lạnh, tạm nhập tái xuất).
Bà Nguyễn Thị Hồng, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Nam Á cho biết, từ đầu tháng Tám đến nay, công ty mất gần trăm triệu đồng tiền lưu kho lưu bãi và chi phí bảo ôn các xe hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất từ Hải Phòng, Quảng Ninh lên và nếu tình trạng này kéo dài, công ty chắc không chịu nổi./.