Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM); các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines về thực hiện giải pháp giảm thiểu nguy cơ nhầm lẫn các chuyến bay có tên gọi gần giống nhau.
Theo thống kê của VATM, các chuyến bay có tên gọi, hô hiệu (callsign) gần giống nhau, hoạt động trong cùng một khoảng thời gian, trong cùng một khu vực trách nhiệm của cơ sở điều hành bay thể hiện như tên gọi các chuyến bay có tên hãng hàng không khác nhau nhưng các số giống nhau hoặc gần giống nhau, có cùng các số nhưng vị trí khác nhau, có số lặp lại (như HVN123 và BAV123; HVN171 và BAV171...); hoặc tên gọi các chuyến bay cùng một hãng hàng không nhưng các số giống nhau hoặc gần giống nhau, các số có cách phát âm gần giống nhau (ví dụ: HVN7344 và HVN1344; HVN1351 và HVN1531...).
Để đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay trong vùng trời Việt Nam, giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các hãng hàng không Việt Nam chủ động rà soát việc lập kế hoạch và lịch bay (kế hoạch bay mùa), không để các chuyến bay có số hiệu tương tự, dễ nhầm lẫn hoạt động cùng thời gian, trong cùng vùng kiểm soát; có biện pháp điều chỉnh, sửa đổi tên gọi đối với các chuyến bay có tên gọi gần giống nhau để giảm thiểu nguy cơ nhầm lẫn và nâng cao khả năng đảm bảo an toàn bay.
Hãng hàng không quán triệt tố lái phải tập trung nghe, nhắc lại hoặc báo nhận đầy đủ, rõ ràng để đảm bảo thực hiện đúng nội dung huấn lệnh và chỉ dẫn liên quan (đặc biệt nhắc lại đầy đủ tên gọi thoại chuyến bay).
Khi nhận được thông báo của kiểm soát viên không lưu về việc có các chuyến bay có tên gọi gần giống nhau, tổ lái của chuyến bay này cần xác nhận lại thông tin nhắc nhở của kiểm soát viên không lưu, canh nghe để phòng ngừa rủi ro nhầm lẫn, thực hiện thay đổi tạm thời tên gọi liên lạc thoại theo hướng dẫn của kiểm soát viên không lưu (nếu có).
[IATA: An toàn là ưu tiên cao nhất, nền tảng của các hãng hàng không]
Bên cạnh đó, hãng bay cần yêu cầu tổ lái đặc biệt lưu ý khi huấn lệnh có nội dung khác biệt đáng kể so với kế hoạch bay thì cần xác nhận lại với kiểm soát viên không lưu.
Cục Hàng không cũng yêu cầu VATM tiếp tục phổ biến, hướng dẫn cho toàn bộ lực lượng (kiểm soát viên không lưu về cách nhận biết các chuyến bay có tên gọi gần giống nhau; phương thức thay đổi tạm thời tên gọi thoại của các chuyến bay có tên gọi gần giống nhau theo khuyến cáo của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Ngoài ra, VATM vần quán triệt kiểm soát viên không lưu thực hiện các nội dung như: luôn sử dụng đầy đủ tên gọi chuyến bay, chú ý ngữ điệu, trọng âm để thể hiện sự khác biệt của tên gọi chuyến bay; sử dụng thuật ngữ đầy đủ, đúng theo tiêu chuẩn về phương thức liên lạc không-địa theo quy định; thông báo cho các tổ lái các chuyến bay có tên gọi gần giống nhau để tổ lái chủ động phòng ngừa rủi ro nhầm lẫn; thực hiện đúng hướng dẫn về việc cấp và nhắc lại huấn lệnh kiểm soát không lưu, tin tức liên quan đến an toàn điều hành bay.
VATM cũng lưu ý việc tổ lái báo cáo vị trí, độ cao/mực bay trong lần đầu thiết lập liên lạc với cơ sở điều hành bay và yêu cầu kíp trưởng/trực kíp trưởng, kiểm soát viên không lưu giám sát, hiệp đồng chủ động trợ giúp kiểm soát viên không lưu điều hành nhận diện các chuyến bay có tên gọi gần giống nhau trong khu vực trách nhiệm để thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu VATM tổ chức thống kê các trường hợp tổ lái không tuân thủ nghiêm huấn lệnh kiểm soát không lưu (nhắc lại không đầy đủ, không đúng, thực hiện sai huấn lệnh kiểm soát không lưu), định kỳ gửi về cục để có các biện pháp xử lý phù hợp, thông báo tới các hãng hàng không nhằm ngăn ngừa tái diễn.
Tại Hội nghị An toàn và Khai thác hàng không thế giới 2023 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 19-21/9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận lĩnh vực hàng không Việt Nam đã gặt hái được những kết quả tích cực trong công tác an toàn và khai thác, mà nổi bật là 25 năm duy trì liên tục không xảy ra tai nạn hàng không thương mại trong bối cảnh liên tục tăng trưởng hai con số trong nhiều năm.
“An toàn và khai thác là những nền tảng cốt yếu để ngành hàng không có thể phát triển bền vững. Trong tất cả các hoạt động của ngành hàng không, vấn đề an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu và là giá trị cốt lõi,” Bộ trưởng Thắng cho hay./.