Ngày 22/3, các nước châu Á, vùng Vịnh và châu Phi đã đồng loạt lên án loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại thủ đô Brussels của Bỉ, đồng thời đưa ra cảnh báo đi lại tại Bỉ và tăng cường an ninh tại nước nhà.
Mặc dù chưa có mối đe dọa an ninh cụ thể, loạt vụ nổ tại Brussels đã buộc các thành phố lớn của Mỹ như New York, Los Angeles, Chicago và Washington siết chặt an ninh.
Lực lượng cảnh sát trang bị vũ khí chiến thuật đã được điều động, tăng cường tuần tra các sân bay và điểm trung chuyển giao thông, nơi tập trung nhiều người.
Trong khi đó, loạt hãng hãng không Mỹ như Delta Airlines, United and American Airlines đều hủy các chuyến bay đi và đến từ Brussels.
Thị trưởng New York Andrew Cuomo cho biết bên cạnh cảnh sát, lực lượng Vệ binh quốc gia cũng đã được tăng cường thêm tại hai sân bay của thành phố và các nhà ga tàu hỏa lớn.
Các vụ nổ tại Brussels xảy ra chỉ 4 tháng sau vụ tấn công khủng bố tại San Bernardino, California , Mỹ, khiến 14 người thiệt mạng.
Thủ phạm gây ra vụ tấn công là hai đối tượng ủng hộ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện.
Tại Indonesia, Bộ Ngoại giao nước này ra tuyên bố cho biết chính phủ và nhân dân Indonesia chia buồn sâu sắc với nhân dân và chính phủ Bỉ, đặc biệt là gia đình các nạn nhân trong vụ đánh bom kép vào sân bay Zaventem và vụ đánh bom liều chết vào ga tàu điện ngầm Maelbeek ở thủ đô Brussels sáng 22/3.
Tuyên bố cũng kịch liệt lên án chủ nghĩa khủng bố và các hành động bạo lực vì bất cứ lý do gì, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường phối hợp chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.
Đại sứ quán Indonesia tại Brussels khuyến cáo mọi công dân Indonesia cảnh giác trong bối cảnh Brussels đã nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất 4/4.
Tại Philippines, Tổng thống Benigno S. Aquino III đã chỉ thị xem xét lại các biện pháp an ninh tại toàn bộ các sân bay và trạm giao thông công cộng nhằm ngăn chặn mọi âm mưu tấn công khủng bố.
Theo chỉ thị của Tổng thống, các cơ quan hữu quan phải xem lại và tăng cường các biện pháp an ninh và nỗ lực hết sức để đảm bảo an toàn và thuận lợi cho người dân. Chính phủ Malaysia cũng đã lên án vụ tấn công.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak khẳng định cộng đồng quốc tế cần phải đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố tàn bạo.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop ra tuyên bố lên án các vụ tấn công khủng bố tại Brussels và bày tỏ chia buồn.
Australia cũng đã nâng mức cảnh báo đi lại tới Bỉ và khuyến cáo người dân Australia cân nhắc mức độ cần thiết khi phải đến đây, đồng thời khuyến cáo người Australia đang sống tại Bỉ luôn cảnh giác, tránh các khu vực bị ảnh hưởng và làm theo chỉ dẫn của chính quyền địa phương.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 22/3 đã lên án vụ tấn công ở Brussels, đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình những người thiệt mạng.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj cho hay không có người Ấn Độ nào bị thương vong trong vụ tấn công trên.
Tại Afghanistan, Tổng thống Ashraf Ghani kịch liệt lên án loạt vụ tấn công trên.
Trong một thông cáo báo chí, Phủ tổng thống khẳng định: "Các vụ tấn công ở Brussels hôm nay đã chứng tỏ rằng bọn khủng bố là kẻ thù chung của nhân loại và không được thừa nhận ở bất cứ đâu."
Tổng thống Ghani cũng bày tỏ chia buồn với chính phủ và nhân dân Bỉ và kêu gọi cùng chung tay chống lại mối đe dọa khủng bố.
Về phần mình, người đứng đầu chính phủ Afghanistan, ông Abdullah Abdullah cũng lên án vụ tấn công trên một cách mạnh mẽ nhất.
Bộ Ngoại giao Pakistan đã ra tuyên bố lên án loạt vụ tấn công ở Brussels và bày tỏ chia buồn sâu sắc, đồng thời khẳng định tình đoàn kết với chính phủ và nhân dân Bỉ.
Tuyên bố cũng một lần nữa lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện.
Trong thông cáo báo chí lên án loạt vụ tấn công khủng bố trên, Bộ Ngoại giao Ai Cập khẳng định "Chủ nghĩa khủng bố không phân biệt tôn giáo, sắc tộc hay biên giới. Cộng đồng quốc tế cần đoàn kết chống lại hiện tượng hèn hạ này."
Bộ trên nêu rõ thế giới cần có quan điểm cứng rắn chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế bởi chúng đang tấn công vào an ninh và ổn định của các quốc gia và cản trở sự tiến bộ của văn minh nhân loại.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh cần có các biện pháp hiệu quả và mau lẹ để cắt đứt mọi nguồn tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, ngăn chặn hoạt động tuyển dụng thành viên của các nhóm tội phạm.
Về phần mình, trong khi lên án các vụ tấn công khủng bố tại Brussels, hãng thông tấn SANA của Syria dẫn lời Ngoại trưởng nước này khẳng định các vụ tấn công trên "là kết quả không tránh khỏi của các chính sách sai lầm và sự nhân nhượng với chủ nghĩa khủng bố," đồng thời kêu gọi quốc tế nỗ lực đối phó với mối đe dọa này.
Ông khẳng định các vụ tấn công tại Brussels và Paris cũng như ở nhiều nơi khác nhắc nhớ rằng chủ nghĩa khủng bố không có biên giới.
Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Abdullatif al-Zayani cũng lên án loạt vụ tấn công và khẳng định luôn đứng bên cạnh đất nước Bỉ.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, giới chức Canada cũng đã lên án mạnh mẽ loạt vụ tấn công đẫm máu trên.
Trong thông báo đăng trên trang mạng Twitter, Thủ tướng Justin Trudeau gọi các vụ tấn công này là “tồi tệ” và bày tỏ sự đoàn kết với Bỉ cũng như Liên minh châu Ấu (EU).
Ngoại trưởng Canada Stephane Dion gọi ngày 22/3 là “thứ Ba đen tối” của nước Bỉ, đồng thời nhấn mạnh sự kiện này chỉ càng củng cố quyết tâm của Canada trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Ngoại trưởng Dion cũng cho biết chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về việc có công dân Canada bị ảnh hưởng bởi loạt vụ đánh bom trên.
Bộ trưởng An ninh Công cộng Canada Ralph Goodale cho biết mức độ đe dọa của các vụ tấn công khủng bố không hề thay đổi kể từ tháng 10/2014, cho thấy nguy cơ bất ổn vẫn luôn hiện hữu và bùng nổ bất cứ lúc nào.
Trong một thông báo đăng ngày 22/3, Bộ Các vấn đề Toàn cầu của Canada nêu rõ quốc gia Bắc Mỹ này cần phải “đề cao cảnh giác trước mối đe dọa ngày càng lớn từ chủ nghĩa khủng bố”./.