Hàng nghìn hécta lúa Hè Thu có nguy cơ mất trắng do thời tiết

Trong khi hàng nghìn hécta lúa Hè Thu của Long An có nguy cơ mất trắng vì lũ thì tại Ninh Thuận, bà con nông dân lại gặp khó khăn về nước tưới.
Hàng nghìn hécta lúa Hè Thu có nguy cơ mất trắng do thời tiết ảnh 1Làm đất gieo cấy lúa. (Ảnh minh họa: Đình Huệ/TTXVN)

Mưa liên tục trong 3 ngày 14-15 và 16/7/2014 khiến lũ ở thượng nguồn bắt đầu đổ xuống, kết hợp triều cường dâng cao, đe dọa hàng nghìn hécta lúa Hè Thu ở hai huyện đầu nguồn lũ là Tân Hưng và Vĩnh Hưng của tỉnh Long An.

Tại huyện Tân Hưng hiện có gần 3.000ha lúa còn khoảng 10-15 ngày nữa mới thu hoạch bị ngập úng hơn nửa thân cây, tập trung ở các xã vùng trũng là Vĩnh Lợi, Vĩnh Thạnh, Thạnh Hưng, Vĩnh Đại.

Hiện nay, huyện vận động bà con liên kết đắp bờ bao xung quanh ruộng lúa, sử dụng máy bơm tập trung ngày đêm bơm chuyền nước ra sông chờ lúa chín đến đâu thu hoạch ngay đến đó.

Tại huyện Vĩnh Hưng, hiện nay mực nước lũ đổ xuống ngày đêm dâng lên từ 1-3cm, khi có mưa dâng lên từ 5-6cm, mực nước ngoài sông đang cao hơn ruộng lúa từ 0,3-0,4m và đang đe dọa 5.000-7.000ha lúa ở các xã Tuyên Bình Tây, Vĩnh Thuận, Vĩnh Trị, Hưng Điền A, Tuyên Bình.

Hiện huyện Vĩnh Hưng huy động bà con ra đồng gia cố lại các tuyến đê bao theo các tuyến sông rạch ngăn nước triều cường và nước lũ tràn vào lúa, chuẩn bị hàng nghìn máy bơm sẵn sàng đối phó khi nước lũ tràn vào ruộng lúa và tổ chức bà con luân phiên canh giữ các tuyến đê bao để kịp thời đối phó khị bị nước lũ cuốn sạt lở để bảo vệ lúa Hè Thu ở vùng trũng thấp.

Các huyện nằm trong vùng lũ là Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường đang tập trung hơn 2.000 máy gặt đập liên hợp, máy cắt, máy phóng để hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa để né lũ và đề phòng lũ lớn đổ về vào cuối tháng Bảy.

Tại An Giang, hơn 320ha lúa mùa đang có nguy cơ mất trắng.

Theo ông Chau Rên - trưởng ấp An Thạnh, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang), dù đã vào thời điểm chăm sóc cho cây lúa mùa đặc sản của bà con dân tộc thiểu số huyện Tịnh Biên, An Giang nhưng tình hình nắng hạn kéo dài trong nhiều ngày trước đó đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa.

Hơn 320ha lúa ngắn ngày (trồng 2 vụ/năm) đã gieo sạ chờ mưa bị nghẹn, không trổ bông được có khả năng bị mất trắng trong vụ này.

Với đặc điểm của vùng sản xuất ở hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên của tỉnh An Giang, bà con dân tộc thường trông chờ vào sản xuất lúa mùa đặc sản. Hàng năm, kể từ khi sau thu hoạch vụ mùa, với nguồn lúa hàng hóa này, bà con dân tộc Khmer có điều kiện để sắm sửa và bước vào mùa lễ hội Đôl Ta, tổ chức lễ hội quốc gia Đua bò Bảy Núi.

Tuy nhiên, tình hình thời tiết năm nay rất bất lợi cho vụ mùa. Hiện trên nền đất ruộng mùa bị khô trắng và nhiều cỏ dại, khả năng thất thu 100% trên diện tích đã gieo sạ là rất lớn. Trước đó, vụ mùa của năm 2013 cũng đã xảy ra tình trạng tương tự.

Đây là diện tích nằm ngoài vùng phụ trách của các trạm bơm điện, nông dân Khmer thường chỉ tận dụng nguồn nước mưa để sản xuất. Khi điều kiện thời tiết không thuận lợi để sản xuất như hiện nay, nông dân nơi đây sẽ không có nguồn thu từ cây lúa mùa đặc sản.

Tại Ninh Thuận, bà con nông dân cũng đang phải đối mặt với khó khăn về nước tưới. Mặc dù trên địa bàn huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) có 4 công trình thủy lợi lớn nhỏ nhưng các công trình này vẫn không đáp ứng đủ nguồn nước cho mùa hạn và hiện các hồ này đã cạn đến đáy. Không chỉ diện tích sản xuất nằm phơi nắng chờ mưa, chờ nước, mà cả nghề chăn nuôi cũng chịu thiệt hại đáng kể do không có mưa, có nước.

Ông Lưu Ngọc Lễ, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam cho biết, hiện địa phương có tổng diện tích sản xuất gần 2.000ha, trong đó diện tích canh tác, sản xuất lúa trên 1.500ha, còn lại là trồng hoa màu các loại. Tuy nhiên, hiện hầu hết diện tích này phải ngưng sản xuất vụ Hè Thu vì không có nước tưới.

Trong 7 xã của huyện, vụ Hè Thu này địa phương chỉ cho xã đầu nguồn Phước Hà (nơi có công trình thủy lợi hồ Tân Giang) gieo cấy nhưng chỉ với 120 ha, diện tích còn lại làm rau màu các loại.

Với dự báo tình hình nắng nóng còn kéo dài, việc sản xuất và chăn nuôi của người dân ở Thuận Nam chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn. Giải pháp duy nhất đang được huyện thực hiện là khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tạo nguồn thức ăn cho gia súc, đồng thời chủ động ứng phó, chống chọi với hạn để giảm bớt thiệt hại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục