Hàng nông sản, thực phẩm Hải Phòng vắng bóng tại siêu thị

Những mặt hàng mang thương hiệu Hải Phòng vẫn chưa có chỗ đứng hoặc nếu có thì số lượng rất khiêm tốn trong các siêu thị ở thành phố này.
(Ảnh minh họa: Quang Quyết/TTXVN)

Hải Phòng là địa phương sản xuất đa dạng hàng nông sản, thực phẩm phục vụ người tiêu dùng.

Thế nhưng, những mặt hàng mang thương hiệu Hải Phòng vẫn chưa có chỗ đứng hoặc nếu có thì số lượng rất khiêm tốn trong các siêu thị ở thành phố này.

Hải Phòng hiện có 138 vùng sản xuất nông sản tập trung, với diện tích 1.534ha; 33 mô hình cánh đồng mẫu lớn; 150 mô hình về sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo hình thức sản xuất nông nghiệp tốt.

Thành phố có 10 trang trại chăn nuôi được chứng nhận GAHP, 10 vùng sản xuất trồng trọt đủ điền kiện sản xuất theo VietGAP, 780 trang trại sản xuất nông nghiệp, 52 cơ sở chế biến, kinh doanh hàng nông sản và 33 cơ sở chế biến, bảo quản thủy sản với các sản phẩm rau, củ, quả, nấm các loại, nước mắm, thịt gia súc, gia cầm...

Tuy nhiên, hàng nông sản, thực phẩm của Hải Phòng vào hệ thống siêu thị với số lượng rất ít: rau, củ, quả khoảng 75 tấn/năm (chiếm 0,03% tổng sản lượng); gạo 55 tấn/năm (0,02%); thịt gia súc, gia cầm trên 200 tấn/năm (chiếm 0,16%); trứng gia cầm 850.000 quả/năm (chiếm 0,33%).

Theo ông Bùi Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng, việc nông sản Hải Phòng tham gia hạn chế tại các siêu thị lớn Metro Hồng Bàng, BigC Hải Phòng, Co.opmart, Intimex Hải Phòng do một số nguyên nhân như sản xuất nông nghiệp Hải Phòng vẫn ở quy mô nhỏ, sản phẩm tự cung, tự cấp, đáp ứng nhu cầu người dân trên địa bàn thành phố (1 năm tiêu thụ khoảng 450.000 tấn lương thực, trên 200.000 tấn thực phẩm và gần 300.000 tấn rau các loại); chưa có nhiều sản phẩm cao cấp có thương hiệu để đưa vào siêu thị.

Thêm nữa, tập quán của người dân vẫn ưa sử dụng các sản phẩm tươi, sống; tiện lợi trong sinh hoạt (không phải đi lại xa, không để đông lạnh).

Các siêu thị hiện nay mới chỉ tập trung tiêu thụ các sản phẩm đông lạnh, tuy nhiên việc nhận bán sản phẩm đông lạnh cũng rất hạn chế.

Còn ý kiến của một số nhà sản xuất cho rằng, mức phí gian hàng trong siêu thị khá cao; sự liên kết trong lĩnh vực sản xuất và bao tiêu sản phẩm chưa như mong đợi, liên kết giữa các hộ sản xuất với nhau còn hạn chế, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa có hiệu quả; chưa hình thành được mạng lưới dịch vụ gom, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ nông sản.

Mặt khác, công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế, thiếu thông tin thị trường, thiếu tổ chức bộ máy chuyên trách, kinh phí hoạt động.

Bà Phạm Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Intimex Hải Phòng, cho biết siêu thị là một kênh phân phối hàng hóa hiệu quả nhưng Hải Phòng chưa tận dụng được ưu thế này.

Lý do, nguồn hàng đảm bảo chất lượng, an toàn cao tại địa phương rất hạn chế do các khu vực sản xuất sản phẩm sạch, an toàn chưa có công bố quy trình sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm nuôi trồng, chưa có kiểm soát chặt chẽ thực sự, chưa có hồ sơ theo dõi quá trình nuôi trồng đầy đủ (từ giống, chăm bón, sử dụng các loại thức ăn, hóa chất phân bón xử lý sâu bệnh, tăng trưởng).

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho công nghệ sản xuất sạch lớn hơn sản xuất truyền thống, theo đó các hộ nuôi trồng ngại đổi mới (về công nghệ, quy trình, quy mô…), chủ yếu chạy theo lợi nhuận tức thời; chưa có đầu tư cho công đoạn sau thu hoạch như sơ chế, đóng gói, bao bì, nhãn mác, công bố chất lượng, chưa xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương, vùng miền… dẫn đến sản lượng thấp, thất thường.

Thành phố hiện nay có quá nhiều chợ cóc, chợ tạm, xe đẩy tràn lan khắp nơi, các dãy phố đều là chợ.

Bên cạnh đó, nguồn hàng từ các địa phương khác đưa về các chợ đầu mối trong đêm với số lượng lớn, tại nhiều khu vực không có sự kiểm soát chặt chẽ của quản lý thị trường, chất lượng không đảm bảo và giá thành rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm sản xuất, nuôi trồng tại Hải Phòng khiến người tiêu dùng tìm đến nơi giá rẻ để mua.

Bà Phạm Thị Hồng chia sẻ để đưa sản phẩm nông sản, thực phẩm của Hải Phòng vào các khu thương mại hiện đại thông qua các siêu thị có uy tín, thành phố Hải Phòng cần chỉ đạo các ban, ngành liên quan, các doanh nghiệp, các hộ nuôi trồng cùng chung tay khắc phục những khó khăn, quy hoạch lại thành từng vùng, khu vực riêng biệt, nhằm tạo ra một môi trường sản xuất, nuôi trồng sạch và bền vững.

Để nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm nông nghiệp Hải Phòng, thành phố cần chỉ đạo và hỗ trợ các nhà sản xuất, các hộ nuôi trồng, chế biến trong việc đầu tư sản phẩm sau thu hoạch, chế biến hoàn thiện các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, bao bì đóng gói, nhãn mác, bảo quản vận chuyển, tổ chức trưng bày giới thiệu sản phẩm, kể cả thông tin tư vấn trên nhãn mác sản phẩm, tư vấn thông qua người bán.

Hải Phòng cần xây dựng mối liên kết sản xuất-thương mại-du lịch thông qua các kênh, tour du lịch nội địa và quốc tế rộng khắp, nhất là các vùng có sản vật, đặc sản địa phương.

Qua đó, giới thiệu quảng bá sản phẩm từng vùng địa danh của thành phố và khẳng định sản phẩm từ nguồn gốc sản xuất đến nơi chế biến, bán hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục