Sạt lở ven sông, ven biển tại Cà Mau diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa đời sống của hàng trăm ngàn hộ dân và còn khiến Cà Mau mỗi năm mất hàng trăm hécta đất.
Diễn biến ngày càng phức tạp
Cà Mau là tỉnh có hệ thống sông ngòi chằng chịt với hơn 10.000km chiều dài sông, rạch. Chỉ tính riêng trong năm 2016, tại tỉnh Cà Mau, sạt lở đất ven sông đã xảy ra với tổng chiều dài gần 4.800m, ảnh hưởng trực tiếp lên hơn 1.000 hộ dân sinh sống, buôn bán và sản xuất trong khu vực.
Bên cạnh đó, theo khảo sát thực tế, 105km bờ biển đã bị sạt lở, trong đó bờ biển Tây dài 57km, bờ biển Đông dài 48km. Triều cường dâng làm tràn, vỡ hơn 14.010m bờ bao, làm thiệt hại 2.373ha diện tích đất sản xuất.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, trên địa bàn tỉnh hiện có đến 27 vị trí sạt lở ven sông với tổng chiều dài hơn 37.890m. Trong đó, tám điểm đang đứng trước nguy cở sạt lở nguy hiểm với chiều dài hơn 4.790m. Những điểm bị sạt lở chủ yếu tập trung tại các huyện Năm Căn, Đầm Dơi và Ngọc Hiển, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sản xuất của gần 1.000 hộ dân đang sinh sống trong khu vực.
[Cà Mau mất 450ha đất ven biển mỗi năm do biến đổi khí hậu]
Từ đầu năm đến nay, theo thống kê, toàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra trên 30 vụ sạt lở sông, rạch. Huyện Năm Căn tính từ đầu năm đến nay đã xảy ra tới chín vụ sạt lở đất với chiều dài trên 400m sông nằm rải rác ở các xã Tam Giang Đông, Hàng Vịnh, Hiệp Tùng và thị trấn Năm Căn. Theo nhận định của ngành chức năng, hàng loạt điểm có nguy cơ sạt lở cao xuất hiện ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của hơn 3.000 hộ dân đang sống ven sông.
“So với trước, những năm gần đây các vụ sạt lở diễn ở mức độ ngày càng cao. Nguyên nhân là do sự thay đổi dòng chảy bên cạnh sự tác động của thời tiết mưa to gió lớn. Thêm vào đó, số hộ xây nhà ven sông ngày càng nhiều, các ngôi nhà được gia công cốt thép nên rất nặng, dễ xảy ra sạt lở khi mưa xuống,” ông Lê Văn Khởi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn nhận định.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi, từ đầu năm đến nay, địa bàn huyện Đầm Dơi xảy ra 11 vụ thiên tai, trong đó có đến 10 vụ sạt lở đất ven sông.
Theo các chuyên gia, sạt lở xuất hiện không chỉ do tác động của biến đổi khí hậu mà còn do sự khai thác nguồn tài nguyên không theo quy hoạch đã khiến sạt lở bờ sông, bờ biển tại các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến ngày càng phức tạp.
Cà Mau là vùng trọng điểm xảy ra sạt lở bởi đây là địa phương duy nhất cả nước có bờ biển trải dài từ phía Đông sang Tây, nhiều con sông lớn thông ra biển. Sạt lở ở Cà Mau hiện nay xảy ra không theo quy luật “bên lở, bên bồi” theo thủy triều hay theo mùa mà diễn ra quanh năm, tại hầu khắp các vùng ven biển, cửa sông...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, từ năm 2008 đến nay, mỗi năm, có trên 80% đường bờ biển ở Cà Mau bị sạt lở, diện tích rừng phòng hộ bị mất khoảng 305ha.
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, từ năm 1999 đến nay, địa phương đã mất trên 5.000ha đất ven biển do sạt lở gây ra. Riêng trong năm 2016, ảnh hưởng của tám cơn bão và mưa lớn kéo dài, biển động mạnh đã gây sạt lở nhanh tuyến ven biển của tỉnh, làm xuất hiện trên 57km tuyến ven biển sạt lở ở mức nguy hiểm, tập trung tại ba điểm trên dọc tuyến biển Tây từ vàm Tiểu Dừa (huyện U Minh) đến cửa sông Bảy Háp (huyện Phú Tân).
Tuyến biển Đông ở tỉnh Cà Mau, hiện nay có trên 48km tuyến ven biển đang sạt lở nghiêm trọng, nhất là từ tháng 2/2017 đến nay, sóng biển đã cuốn trôi nhiều tuyến rừng phòng hộ, kéo dài trên 10km, ăn sâu vào đất liền từ 50-80m. Nhiều đoạn sạt lở vào sát chân của đê biển, đe dọa đến 100.000ha đất nuôi trồng thủy sản của trên 260.000 hộ dân.
Cần giải pháp căn cơ
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã tập trung khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với tổng chiều dài gân 22.700m với tổng mức đầu tư hơn 640 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai xây dựng các loại kè bằng vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè rọ đá, kè tường mềm giảm sóng để khắc phục sạt lở đê biển với chiều dài gần 6.700m. Thế nhưng, đa phần đây là những công trình mang tính tình thế ở những nơi đặc biệt xung yếu.
Nguyên nhân của vấn đề này là bởi nguồn lực của địa phương không đảm bảo, trong khi đó nguồn đầu tư từ Trung ương lại “nhỏ giọt,” phân kỳ qua từng năm.
Để khắc phục sạt lở, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết hiện tỉnh cần được hỗ trợ đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng để có thể thực hiện dự án xây dựng kè tạo bãi, trồng rừng phòng chống sạt lở bờ biển... Trước mắt, tỉnh Cà Mau cần được hỗ trợ khẩn cấp 200 tỷ đồng để xây dựng hơn 10.000m tại các đoạn bờ biển đang sạt lở nhanh.
Bênh cạnh đó, với yêu cầu cần di dời gần 4.800 hộ dân ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao và cư dân vùng ảnh hưởng do biến đổi khí hậu vùng ven sông, ven biển, Cà Mau đã kiến nghị từ nay đến năm 2020, Trung ương cần đầu tư cho địa phương khoảng 1.400 tỷ đồng để di dời vào sinh sống ở các cụm, tuyến dân cư mới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, trong giai đoạn trước 2015, tỉnh được phê duyệt đầu tư 35 cụm, tuyến dân cư mới, dự kiến khi hoàn thành sẽ di dời bố trí, ổn định chỗ ở cho khoảng 13.870 hộ dân. Tuy nhiên, do gặp khó về quỹ đất, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ còn hạn chế nên đến nay tỉnh mới bố trí được hơn 1.000 hộ dân ở các vùng nguy cơ xảy ra thiên tai cao vào ở các điểm, khu dân cư sinh sống ổn định.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định, hiệu quả của việc di dời dân vào các tuyến dân cư đã qua chưa mang tính toàn diện. Di dời dân vào đã khó, khó hơn là phải đảm bảo sinh kế sau di dời, tránh tình trạng người dân trở lại ven rừng, biển.
Các ban ngành, đoàn thể ở tỉnh Cà Mau tăng cường tuyên truyền, vận động người dân vùng sạt lở di dời vào nơi an toàn tuyệt đối. Cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao để kịp thời có giải pháp di dời người dân ở những điểm có nguy cơ cao sạt lở vào nơi an toàn; thống kê lại số hộ đang sinh sống ven sông, phân loại để cơ quan chức năng có giải pháp căn cơ trong sắp xếp và ổn định dân cư./.