Ngày 17/7, Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội tổ chức tổng kết 5 năm cuộc vận động trên địa bàn Thủ đô.
Ông Đào Văn Bình - Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động cho biết hàng Việt đã chiếm được lòng tin của người dân Thủ đô. Nếu như trước đây, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến sản xuất để xuất khẩu, nay đã tập trung sản xuất cho thị trường trong nước.
Hiện ở Hà Nội, có tới 80% sản phẩm bày bán ở các siêu thị, chợ đầu mối, trung tâm thương mại địa bàn Thủ đô được sản xuất trong nước với nhiều chủng loại mẫu mã ngày càng bắt mắt, đa dạng, phong phú, cơ bản đảm bảo chất lượng.
Đáng chú ý, 90% sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu học tập của học sinh là hàng Việt. Ngoài ra, các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động, bằng cách đầu tư máy móc hiện đại, đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học trong quản lý, tiết kiệm chi phí để nâng cao chất lượng hàng hóa.
Trong 5 năm qua, Ban chỉ đạo “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, gắn cuộc vận động với sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi đơn vị, địa phương.
Cuộc vận động đã góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, ý thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp Thủ đô không còn “sính” đồ ngoại như trước đây.
Năm 2009, các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô chỉ thực hiện được 20 chuyến bán hàng về nông thôn thì đến năm 2013 tăng lên 38 chuyến bán hàng phiên chợ Việt và 526 chuyến bán hàng lưu động, tổ chức triển khai bán phục vụ bà con 13 xã tại 4 huyện ngoại thành.
Riêng năm 2014, Hà Nội đang thực hiện mục tiêu tổ chức 34 phiên chợ Việt, khoảng 500 chuyến bán lưu động, thực hiện bán hàng tại 13 xã miền núi.
Theo Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội, trong 5 năm qua, một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn chưa quan tâm triển khai cuộc vận động trên địa bàn.
Để khắc phục, Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố đề ra một số biện pháp, ngoài tăng cường tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp hiểu rõ ý nghĩa mục đích cuộc vận động.
Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, giữ uy tín với khách hàng; tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, chế xuất; tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"./.