Hành trình Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ Pháp về với đất mẹ Việt Nam

Sau hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan về việc dừng đấu giá công khai, Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã được chuyển giao về Việt Nam.

Đại diện các cơ quan chức năng của Việt Nam và Pháp chứng kiến buổi lễ chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo" ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)
Đại diện các cơ quan chức năng của Việt Nam và Pháp chứng kiến buổi lễ chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo" ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, chiều 16/11, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, đã diễn ra buổi lễ chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” giữa Hãng đấu giá Millon, Pháp và Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân, cùng đại diện Bộ Ngoại giao Pháp, Tổ chức UNESCO, các con cháu hậu duệ triều Nguyễn và gia đình ông Nguyễn Thế Hồng, người tiếp nhận bảo vật quốc gia, tham dự sự kiện.

Sự kiện này là kết quả của hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan về việc dừng đấu giá công khai Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” tại Paris, hồi tháng 11/2022 và cùng thỏa thuận thống nhất các yêu cầu liên quan đến việc chuyển giao Ấn vàng cho phía Việt Nam.

Trong thành công này phải kể đến sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo các cơ quan chức năng; sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan và tham gia vào quá trình thương lượng, đàm phán; sự hợp tác của các cơ quan chức năng sở tại, của các đối tác, bạn bè, cộng đồng người Việt tại Pháp đã giúp đỡ, hỗ trợ Đoàn công tác liên ngành do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì cùng các Bộ Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công an và sự phối hợp đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Bên cạnh đó cũng phải kể đến thiện chí của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh là đại diện thực hiện các thủ tục tài chính liên quan đến Ấn vàng theo pháp luật của Cộng hòa Pháp; đồng thời thực hiện việc lưu giữ, trưng bày và phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị của Ấn vàng tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng theo quy định của Luật Di sản Văn hóa.

ttxvn_1811_dinh toan thang.jpg
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu tại lễ chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo.” (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Phát biểu tại buổi lễ chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo,” Đại sứ Việt Nam tại Pháp nhấn mạnh: “Kết quả ngày hôm nay là công sức đóng góp của rất nhiều cá nhân, đơn vị. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tự hào được đóng góp một phần công sức trong đó để Ấn vàng trở về với đất nước Việt Nam. Trong hơn 1 năm qua, kể từ khi được thông tin Ấn vàng sẽ bị đem ra đấu giá, cán bộ nhân viên Đại sứ quán đã coi đây là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và đã phối hợp với các cơ quan chức năng cả phía Việt Nam và Pháp để triển khai nhiều nỗ lực và kiên trì để kết nối, thương thảo, vận động, thuyết phục, tập hợp thông tin."

Đánh giá cao sự hợp tác và phối hợp của các cơ quan chức năng ở Việt Nam và nước sở tại, cùng tổ chức UNESCO và các luật sư, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng không quên bày tỏ sự ngưỡng mộ và cảm ơn tới ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Bảo tàng Nam Hồng về tấm lòng và tâm nguyện của ông và gia đình đối với quốc gia và di sản quốc gia.

Theo Đại sứ đây không chỉ là những kỷ niệm khó quên, mà còn là niềm tự hào đối với tất cả những ai đã tham gia vào sứ mạng này, vì góp được một bông hoa nữa trong lẵng hoa của năm 2023 kỷ niệm nhiều dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp, đó là 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược Việt-Pháp.

Về phía Cục Di sản, thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền cũng cho rằng buổi lễ là một minh chứng rõ nét về sức mạnh của sự đoàn kết và tinh thần tự tôn dân tộc, bảo vệ các giá trị di sản văn hoá tốt đẹp của nhân dân Việt Nam.

ttxvn_1811_le thi thu hien.jpg
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát biểu tại lễ chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo.” (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Bà Hiền cho biết: "Thông qua con đường ngoại giao văn hoá, chúng ta đã và đang thể hiện cho thế giới thấy rằng chúng ta có khả năng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa quý báu của mình, cam kết duy trì sự tôn trọng và giữ gìn sự nguyên vẹn của di sản văn hóa dân tộc, đóng góp trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Công ước 1970 của UNESCO."

Theo bà Hiền, sự kiện càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra trong bối cảnh cả nước kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) theo sắc lệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ngày 23/11/1945 về bảo tồn di sản trong toàn cõi Việt Nam, góp phần hoàn thiện thêm bộ sưu tập hoàng cung Triều Nguyễn, đang được bảo vệ gìn giữ và phát huy giá trị tại Bảo tàng Quốc gia Việt Nam nói riêng và kho tàng di sản văn hóa Việt Nam nói chung.

Thay mặt các cơ quan hữu quan của Pháp như Bộ châu Âu và Ngoại giao, Bộ Văn hóa, những đơn vị thời gian qua cũng đã tham gia vào nhiều cuộc đàm phán cho phép tìm ra giải pháp để có kết quả ngày hôm nay, ông Nicolas Chibaeff, Giám đốc Lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, đã bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi chứng kiến chiếc Ấn vàng triều Nguyễn đã có thể trở về với quê hương.

Ông cho rằng trong thành công này cũng có vai trò quan trọng và đóng góp của các cơ quan Pháp đã phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, làm trung gian trong các cuộc đàm phán, và tạo điều kiện để hoàn tất các thủ tục, để hôm nay có thể thỏa ước nguyện đối với một bảo vật quan trọng cả về vật chất và tinh thần đối với người Việt Nam.

Giản dị, mộc mạc và khiêm tốn, ông Nguyễn Thế Hồng bày tỏ lời cảm ơn tới các cơ quan, ban, ngành, đã hỗ trợ ông và Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng chính thức sở hữu, gìn giữ, bảo quản Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo," một di sản hết sức có giá trị về lịch sử và văn hoá của dân tộc Việt Nam.

ttxvn_1811_an vang (1).jpg
Vợ chồng ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng, với Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo.” (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Ông cho rằng đây là một sự kiện quan trọng đối với nhân dân Việt Nam nói chung và đặc biệt đối với Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng nói riêng.

“Là một công dân Việt Nam, chúng tôi luôn tự hào về các Di sản Văn hóa của dân tộc mình và có trách nhiệm gìn giữ bảo vệ và phát huy giá trị của Di sản. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hiện nay, tôi hy vọng ngoài Ấn vàng Hoàng đế chi bảo, sẽ còn nhiều Di sản quý báu khác tiếp tục được hồi hương về Việt Nam, ngày càng làm giàu thêm cho kho tàng Di sản của dân tộc,” ông chia sẻ tại buổi lễ.

Một năm đàm phán để Ấn vàng hồi hương

Tháng 9/2022, Hãng Millon (Pháp) đăng tải thông tin về việc sẽ tổ chức đấu giá 329 cổ vật vào lúc 11 giờ ngày 31/10/2022 (giờ Paris), trong đó có hai cổ vật của nhà Nguyễn (1802-1945), gồm một ấn vàng triều vua Minh Mạng (1820-1841) và một bát vàng triều vua Khải Định (1916-1925).

Theo thông tin đăng tải trên website của hãng này, chiếc ấn vàng (lô số 101/329) là kim ấn "Hoàng đế chi bảo."

Ngay khi thông tin này được đưa ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã liên hệ, xác minh và báo cáo về Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Ý thức được tầm quan trọng của việc hồi hương Ấn vàng Bảo vật Quốc gia, với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của các Lãnh đạo và các cơ quan chức năng, một Đoàn công tác liên ngành đã được thành lập và nỗ lực tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ, kịp thời có cơ sở đàm phán, dừng đấu giá và yêu cầu chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho phía Việt Nam.

ttxvn_1811_an vang (2).jpg
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo.” (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, đã đề nghị được tham gia với mục đích mua để bổ sung bộ sưu tập cá nhân, dự kiến trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng của ông ở Bắc Ninh. Lời đề nghị đã được chấp thuận.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng tham gia và hỗ trợ thực hiện các cam kết tiếp nhận, chuyển giao Ấn vàng cho phía Việt Nam.

Ngày 12/11/2022, Cục Di sản Văn hóa đã xin phép và ký kết thỏa thuận về việc đàm phán mua Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ Pháp đưa về Việt Nam và chuyển nhượng Ấn vàng cho Nhà nước với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, trong đó cam kết : “Bên A và cá nhân ông Nguyễn Thế Hồng cam kết và bảo đảm Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” sẽ chỉ chuyển giao cho Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên cơ sở phù hợp với quy định của Điều 43 của Luật Di sản Văn hóa, sau một thời gian phù hợp, khi bên A không còn nhu cầu sở hữu, trưng bày, phát huy giá trị tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bắc Ninh, Việt Nam.

Chi phí chuyển giao bao gồm: chi phí trả cho việc thuê luật sư đàm phán; chi phí mua Ấn vàng từ nhà đấu giá Millon, Pháp (bao gồm các loại thuế, phí liên quan); chi phí đưa ấn vàng về nước (chi phí hải quan, vận chuyển quốc tế).”

Lịch sử long đong của một bảo vật quốc ấn

Ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916-1925) đã trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền Cách mạng.

Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền Cách mạng, đã tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này, rồi cho chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945.

Sau ngày Toàn quốc Kháng chiến (tháng 12/1946), không ai còn rõ thông tin về nơi lưu giữ ấn kiếm.

Năm 1952, hai cổ vật này đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8/3/1952, Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng, sau đó được đưa sang Pháp vào năm 1953.

ttxvn_1811_an vang (3).jpg
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trong buổi lễ bàn giao để hồi hương về Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Trước khi qua đời (năm 1997), Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp, trong đó có Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo,” cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp.

Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được ủy quyền cho hãng Millon rao bán đấu giá tháng 11/2022.

Trong 143 năm tồn tại với 13 đời vua, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (gọi là kim bảo), chế tác từ ngọc quý (gọi là ngọc tỷ).

Hiện nay, trong sưu tập Kim Ngọc Bảo Tỷ của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ, bảo quản được 85 kim ngọc bảo tỷ (trong đó có hai kim bảo đời Quốc chúa Nguyễn Phúc, còn lại là kim ngọc bảo tỷ của 9 đời vua và vương hậu triều Nguyễn.

Các bảo Ấn này nằm trong Bộ sưu tập Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn, được triều đình nhà Nguyễn giao lại cho chính quyền Cách mạng năm 1945, sau đó lần lượt được bàn giao cho Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Bộ sưu tập này đã được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam từ năm 1959 trước khi được gửi lưu giữ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho đến năm 2007.

Hiện này, bộ sưu tập đã được bàn giao trở lại cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị.

ttxvn_1811_an vang (1).jpeg
Khoảnh khắc chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” giữa đại diện Hãng đấu giá Millon, Pháp và ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với dân tộc, là biểu trưng của quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định của tiến trình lịch sử của Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng cho sự chuyển giao từ chế độ quân chủ hơn nghìn năm sang nền dân chủ của nhân dân Việt Nam - nhà nước Việt Nam mới - Dân chủ Cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh.

Quyết tâm sưu tầm, hồi hương Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, đưa ra nước ngoài trái phép, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc; khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao lòng tự tôn dân tộc trên trường quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.

Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục