Hành trình đưa Malta 'cập bến' an toàn trước đại dịch COVID-19

Không chỉ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tuyên bố đạt "miễn dịch cộng đồng," Malta còn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là một trong những mô hình phòng chống dịch hiệu quả.
Hành trình đưa Malta 'cập bến' an toàn trước đại dịch COVID-19 ảnh 1Thực khách dùng bữa tại một quán ăn tự phục vụ ở Valletta, Malta. (Ảnh: THX/TTXVN)

Việc Malta, đảo quốc Địa Trung Hải nổi tiếng với các siêu du thuyền, dỡ bỏ các hạn chế và mở lại hoàn toàn ngành du lịch từ ngày 1/6, có thể coi là "trái ngọt" đối với đất nước có nền kinh tế phụ thuộc đáng kể vào "ngành công nghiệp không khói" này.

Không chỉ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tuyên bố đạt "miễn dịch cộng đồng," Malta còn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là một trong những mô hình phòng chống dịch hiệu quả.

Ngoài yếu tố dân số ít chỉ khoảng 500.000 người và là một quần đảo biệt lập giữa Địa Trung Hải, thì sự đầu tư mạnh mẽ cho ngành y tế từ nhiều năm trước, tiến trình phòng chống dịch chặt chẽ từ đầu, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định chống dịch và hơn nữa là ý thức cao của người dân, đã góp phần đưa Malta về đích sớm trong cuộc chiến chống COVID-19.

[Malta trở thành quốc gia đầu tiên tại EU đạt 'miễn dịch cộng đồng']

Chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 với tốc độ "5 s/mũi tiêm," như chia sẻ của Bộ trưởng Y tế Malta Chris Fearne, có thể coi là "bí quyết" giúp Malta đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm chủng.

Đến nay, quốc đảo này đã hoàn tất tiêm chủng 2 liều cho 42% dân số trưởng thành, và ít nhất 1 liều cho hơn 70% dân số trưởng thành.

Các loại vaccine mà Malta sử dụng tiêm là Pfizer-BioNtech, AstraZeneca, Moderna và Johnson&Johnson.

Kết quả này đạt được sớm hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu chính phủ đặt ra là tháng 9, trước khi điều chỉnh vào cuối tháng 6.

Hành trình đưa Malta 'cập bến' an toàn trước đại dịch COVID-19 ảnh 2Người dân chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Msida, Malta. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhờ tốc độ tiêm chủng rất nhanh, Malta đã giảm được tới 95% số bệnh nhân phải nhập viện điều trị COVID-19. Số ca mắc COVID ở Malta rất thấp trong những tuần gần đây.

Trong 10 ngày qua, trung bình mỗi ngày Malta ghi nhận vài ca nhiễm mới và chỉ duy nhất 1 ca tử vong trong 3 tuần qua.

Nhìn lại hành trình chống dịch COVID-19 của Malta trong hơn một năm qua có thể thấy sự chặt chẽ và đồng bộ ngay từ đầu.

Ngay sau khi WHO xác nhận dịch bệnh xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, từ tháng 3/2020, Malta đã thông báo tất cả hành khách đến Malta đều được kiểm tra bằng camera nhiệt.

Hai thiết bị quét nhiệt đã được lắp đặt tại sân bay quốc tế Malta. Hành khách khởi hành trên các tàu thủy tại cảng biển Grand hay các du thuyền catamaran ở thị trấn Marsa cũng được quét theo dõi. Tại các bệnh viện, tất cả các bệnh nhân có triệu chứng hô hấp đều được kiểm tra COVID-19.

Bộ Y tế Malta cũng khuyến nghị du khách đến từ nước láng giềng Italy, tâm dịch châu Âu lúc đó, tự cách ly trong 14 ngày và cấm tất cả công dân đi du lịch đến các vùng bị ảnh hưởng dịch bệnh ở Italy.

Một số cơ sở yêu cầu nhân viên vừa trở về từ Italy làm việc tại nhà cũng như hoãn các chuyến đi không cần thiết đến Italy.

Malta còn thông qua các biện pháp bắt buộc những người đến từ các quốc gia có tỷ lệ nhiễm bệnh cao phải tự cách ly, hoặc họ có thể bị phạt vì các rủi ro sức khỏe cộng đồng.

Giữa tháng 3, lệnh cấm du lịch đã được áp dụng cho các chuyến đi đến Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ, bên cạnh lệnh cấm các chuyến đi đến Italy.

Ngoài ra, bất cứ ai đi du lịch từ các quốc gia được đề cập đều phải tuân theo quy trình tự cách ly bắt buộc trong 14 ngày kể cả có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 . Cá nhân có thể bị phạt 1.000 euro nếu không tuân thủ quy định.

Hành trình đưa Malta 'cập bến' an toàn trước đại dịch COVID-19 ảnh 3Một trung tâm thương mại ở Sliema, Malta. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thủ tướng Robert Abela cũng sớm công bố một số biện pháp: Đóng cửa tất cả các trường học, trường đại học và trung tâm chăm sóc trẻ em, đóng cửa các trung tâm ban ngày cho người cao tuổi, dừng tất cả các hoạt động công cộng trừ khi thực sự cần thiết, tất cả các trận đấu bóng đá diễn ra phía sau cánh cổng đóng kín. Không tổ chức các hoạt động chính trị.

Khi COVID-19 lây lan mạnh trên thế giới, việc kiểm dịch bắt buộc đã được mở rộng cho khách du lịch trở về từ bất kỳ quốc gia nào.

Chính phủ Malta tiếp tục thông báo tất cả các phòng tập thể dục, quán bar và nhà hàng tạm thời đóng cửa. Các cửa hàng thực phẩm và đồ uống chỉ được phép cung cấp dịch vụ mang đi hoặc giao hàng. Bất kỳ hành vi vi phạm nào đều phải chịu mức phạt 3.000 euro mỗi lần.

Một yếu tố quan trọng cần kể đến nữa chính là ý thức phòng dịch trong nước. Người dân Malta chấp hành rất nghiêm túc quy định đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội.

Malta là một trong tám nước Liên minh châu Âu (EU) sớm có quy định bắt buộc mọi người đeo khẩu trang khi ra đường.

Với các biện pháp xử lý kịp thời và nhanh chóng của một quốc gia có nền y học top 5 thế giới, Malta đã thực sự kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 trong năm ngoái, dù là quốc gia nằm gần với "tâm dịch châu Âu" là Italy.

Đến nay, các biện pháp chống dịch của Malta vẫn thể hiện rõ được tính hiệu quả khi châu Âu xuất hiện các làn sóng lây nhiễm mới, với số ca nhiễm ở mức thấp và rất ít trường hợp tử vong.

Để giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh, Chính phủ Malta từ tháng 4 năm ngoái đã công bố gói tài chính hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp trong nước, theo đó tất cả công nhân, người làm nghề tự do hoặc các hình thức khác đang làm việc trong những ngành bị đình chỉ bởi lệnh cấm hoặc đóng cửa vì dịch COVID-19 sẽ được đảm bảo nhận ít nhất 1.200 euro mỗi tháng.

Gói cứu trợ này đã tiêu tốn của nhà nước khoảng 70 triệu euro mỗi tháng và được áp dụng cho các doanh nghiệp bị đóng cửa và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Theo Thủ tướng Robert Abela, Malta đã được chuẩn bị tốt để phòng chống dịch bệnh COVID-19 nhờ đầu tư vào chất lượng dịch vụ y tế. Điều này đã được WHO công nhận và chọn Malta là hình mẫu trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19.

Với việc đạt được miễn dịch cộng đồng - có thể coi người dân đã được trang bị đầy đủ vũ khí chống lại virus, Thủ tướng Abela tin tưởng rằng Malta sẽ sớm phục hồi sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh này và nhanh chóng phát triển hơn trước.

Được ví là "viên ngọc xanh biếc" trên Địa Trung Hải, ngành du lịch đóng góp hơn 27% GDP của quốc đảo Malta.

Kể từ khi đại dịch bùng phát ở châu Âu vào tháng 3/2020, lượng khách quốc tế đến Malta đã giảm tới 80%.

Để chuẩn bị cho việc mở cửa đón khách quốc tế, quốc đảo này vẫn đang tích cực thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine cho toàn bộ người trưởng thành.

Với mục tiêu hồi phục ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, Malta đã quyết định tặng cho du khách từ 50-100 euro tùy theo số sao khách sạn mà họ đặt.

Thậm chí, nếu du khách ở lại trên đảo ít nhất 3 ngày thì số tiền sẽ tăng lên thành 200 euro.

Bộ trưởng Du lịch Clayton Bartolo cho biết kế hoạch này nhằm kích cầu du khách đến tham quan quốc đảo Malta sau khi các biện pháp hạn chế đi lại được dỡ bỏ ở quốc gia này kể từ ngày 1/6.

Quốc đảo Malta kỳ vọng sẽ thu hút 35.000 du khách quốc tế đến với nước này ngay trong mùa Hè./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục