"Hãy đoàn kết, hỗ trợ nạn nhân da cam Việt Nam"

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin kêu gọi hãy đoàn kết chặt chẽ với nạn nhân da cam VN, vì công lý và lợi ích chính đáng của họ.
Thay mặt cho 3 triệu nạn nhân chất da cam Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kêu gọi tất cả các nạn nhân chất da cam ở tất cả các nước, đặc biệt là các cựu chiến binh Mỹ, các nạn nhân của chiến tranh và của các hành vi diệt chủng hãy đoàn kết chặt chẽ với nạn nhân da cam Việt Nam, vì công lý và lợi ích chính đáng của họ.

Tất cả các cá nhân, tổ chức phi chính phủ và chính phủ trên thế giới hãy nỗ lực hỗ trợ nạn nhân da cam ở Việt Nam cả về vật chất và tinh thần.

Nhân "Ngày vì nạn nhân da cam Việt Nam" (10/8), Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) ra lời kêu gọi Quốc hội, Chính phủ Hoa Kỳ cần thấy rằng, đã đến lúc họ cũng như tất cả mọi người hãy thể hiện rõ hơn trách nhiệm của mình trước những hậu quả do cuộc chiến tranh hóa học để lại, để hai dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường mối quan hệ hữu nghị trong hòa bình và phát triển.

Tại cuộc họp báo sáng 22/7 tại Trụ sở Hội Nạn nhân chất dộc da cam/dioxin Việt Nam ở Hà Nội để thông tin về họat động của VAVA nhân "Ngày vì nạn nhân da cam Việt Nam," Chủ tịch VAVA, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh cách đây năm thập kỷ, ngày 10/8/1961, quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành phi vụ đầu tiên rải cái gọi là "chất diệt cỏ" hay "chất khai quang" để mở đầu cho cuộc chiến tranh hóa học liên tục trong 10 năm, gây ra biết bao chết chóc, đau thương và tàn phá môi trường ở miến Nam Việt Nam và các vùng xung quanh.

Với khoảng 80 triệu lít "chất diệt cỏ" độc hại, chủ yếu là chất da cam có chứa dioxin hàm lượng cao - cuộc chiến tranh hóa học này đã rải trực tiếp lên 4,8 triệu người và đầu độc 3 triệu người Việt Nam; rất nhiều người đã chết hoặc đang chết dần; nhiều trẻ em sinh ra bị dị dạng, sống không bằng chết.

Cuộc đấu tranh vì công lý của các nạn nhân da cam trên thế giới nói chung và nạn nhân da cam Việt Nam nói riêng đã và đang thu hút sự quan tâm của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Thế nhưng, công lý và sự công bằng thực sự dành cho các nạn nhân da cam Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ thuần túy là một nguyện vọng.

Cuộc sống của các nạn nhân da cam Việt Nam vẫn hết sức khốn khổ. Có tới 70% số gia đình nạn nhân chất độc da cam thuộc diện hộ đói nghèo, trong đó 40% là hộ đói; có 22% số gia đình có từ ba nạn nhân trở lên, 30% nạn nhân sức khỏe yếu hơn trước, 90% không có chuyên môn nghề nghiệp.

"Xoa dịu nỗi đau da cam" là việc làm không của riêng ai. Các chế độ chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với nạn nhân chất độc da cam luôn được bổ sung, hoàn thiện; thực hiện sự công bằng xã hội đối với người có công với đất nước, đối với nạn nhân là dân thường, kể cả với những người đã từng cộng tác với chế độ Sài Gòn cũ đã đem lại cho các nạn nhân sự phấn khởi, giảm bớt mặc cảm, vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần do bệnh tật gây nên.

Tính từ tháng 1/2004 đến tháng 6/2010, nhân dân cả nước; nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài đã ủng hộ số tiền và quà tặng trị giá trên 150 tỉ đồng để giúp đỡ nạn nhân da cam trong cuộc sống.

Vụ kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và một số nguyên đơn kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất độc cho quân đội Mỹ sử dụng trong 10 năm (từ 10/8/1961-30/6/1971) trên chiến trường miền Nam Việt Nam là cuộc đấu tranh đòi công lý, phù hợp với xu thế chung của nhân loại là đấu tranh bảo vệ quyền con người, bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái; đấu tranh loại bỏ chất độ hóa học-vũ khí giết người hàng loạt.

Chúng ta đã thắng trên mặt trận chính trị và nhân văn; cho dù phải trải qua nhiều thời gian đấu tranh nhưng chúng ta tin tưởng công lý cuối cùng sẽ chiến thắng./.

Công Hải (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục