Hệ lụy từ việc trì hoãn đề xuất ngân sách đối với Lầu Năm Góc

Khi Tổng thống chậm công bố đề xuất ngân sách, điều này sẽ khiến Quốc hội rơi vào tình trạng khó khăn về mặt thời gian và cũng không có lợi cho việc đưa ra quyết định chi tiêu sáng suốt.
Hệ lụy từ việc trì hoãn đề xuất ngân sách đối với Lầu Năm Góc ảnh 1Lầu Năm Góc. (Nguồn: wccftech.com)

Theo trang mạng thehill.com, hãy coi đề xuất ngân sách của tổng thống Mỹ là súng phát lệnh cho quy trình ngân sách liên bang. Một khi tổng thống đề xuất, Quốc hội có thể tiếp tục “định đoạt.”

Khi Tổng thống chậm công bố đề xuất ngân sách, điều này sẽ khiến Quốc hội rơi vào tình trạng khó khăn về mặt thời gian và cũng không có lợi cho việc đưa ra quyết định sáng suốt.

Và nếu Quốc hội sau đó không đáp ứng được thời hạn chót phê chuẩn dự luật ngân sách của chính họ, Quốc hội có thể đặt các cơ quan liên bang vào tình trạng bế tắc cho năm tài chính mới. Điều này đặc biệt gây vấn đề nghiêm trọng cho Lầu Năm Góc - và đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Theo luật, Tổng thống phải đệ trình đề xuất ngân sách tới Quốc hội “vào hoặc sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Một, nhưng không muộn hơn ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 2 hàng năm.”

Năm nay, việc chuyển giao chiếc ghế tổng thống khiến việc không kịp thời hạn cuối để đưa ra đề xuất ngân sách là điều không thể tránh khỏi. Câu hỏi giờ đây là: Khi nào sẽ đệ trình đề xuất ngân sách… và thiệt hại do sự chậm trễ này sẽ tới mức độ như thế nào?

Một phân tích mới đây của Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội cho thấy trong 4 lần chuyển giao tổng thống gần đây nhất, thời gian chậm nộp ngân sách trung bình là 65 ngày.

Trong số đó, Chính quyền Donald Trump là nhanh nhất, chỉ nộp đề xuất ngân sách muộn 38 ngày. Chính quyền Obama là chậm nhất, khi quá hạn tới hơn 3 tháng (94 ngày).

[Các khoản cứu trợ đẩy thâm hụt ngân sách Mỹ lên mức kỷ lục]

Đồng hồ bắt đầu điểm đối với chính quyền Biden từ ngày 1/2 vừa qua. Giả sử thời gian chậm trình đề xuất ngân sách ở mức trung bình, Tổng thống Biden sẽ công bố dự thảo ngân sách của ông vào ngày 7/4 tới.

Rõ ràng, đây là mức tối ưu. Mỗi ngày đề xuất ngân sách bị trì hoãn càng hạn chế thời gian Quốc hội thảo luận, một quá trình mà bản thân nó đã ngày càng trở nên chậm chạp.

Theo luật, Quốc hội có khoảng 8 tháng - kể từ thời điểm dự kiến trình dự thảo ngân sách của tổng thống vào đầu tháng 2 đến ngày 1/10 - để điều chỉnh các nguồn lực phù hợp cho tài khóa mới.

Quốc hội không thể bắt đầu tiến trình thảo luận sớm, vì ngay cả các nhà lập pháp dày dạn kinh nghiệm cũng không thể dự đoán những gì được đề cập trong đề xuất ngân sách của tổng thống.

Sự giám sát của Quốc hội chủ yếu tập trung vào những thay đổi nào được đề xuất so với ngân sách năm ngoái, điều này chỉ được biết rõ khi Quốc hội có trong tay bản đề xuất.

Vậy, khi nào chính quyền Biden sẽ phân bổ ngân sách của mình?

Trong phiên điều trần bổ nhiệm, tân Thứ trưởng Quốc phòng Kathleen Hicks đã báo hiệu rằng điều này có thể xảy ra muộn hơn. Theo bà, việc đệ trình ngân sách sẽ là một thách thức đối với chính quyền mới, cần có sự hỗ trợ và thông cảm.

Tuy nhiên, dù thách thức ở mức độ nào, đó cũng là một trong những thách thức mà Bộ Quốc phòng phải đối mặt. Một số quan chức Lầu Năm Góc đã lên tiếng về những thiệt hại do việc phân bổ ngân sách thành nhiều đợt cũng như cơ chế cấp ngân sách được thông qua khi dự thảo ngân sách không được đưa ra đúng thời hạn.

Phân bổ ngân sách nhiều đợt khiến quân đội mất nhiều thời gian quý báu. Nhiều quỹ do Lầu Năm Góc kiểm soát chỉ có thể được chi tiêu trong năm tài chính mà chúng được phân bổ.

Do đó, nếu việc giải ngân không diễn ra trước tháng thứ tư của tài khóa, thì chỉ còn 8 tháng để phân bổ các nguồn lực đó. Điều này làm giảm thời gian đưa ra các quyết định chi tiêu.

Hơn nữa, do Lầu Năm Góc không thể bắt đầu các hoạt động mới theo các quyết định phân bổ ngân sách liên tục, các hoạt động mới được lên kế hoạch cho tài khóa sẽ bị trì hoãn cho đến khi có đủ các khoản dự phòng cho cả năm. Do đó, bất kỳ chương trình mới nào mà việc thực thi phụ thuộc vào thời gian đều sẽ bị ảnh hưởng.

Đây là một phần lý do tại sao các nhà lãnh đạo quân đội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có phân bổ ngân sách trước khi bắt đầu tài khóa. Họ đã học được bài học này từ kinh nghiệm cay đắng trong quá khứ.

Từ năm 2010 đến năm 2018, ngay cả những năm không có chuyển giao tổng thống hay sự chậm trễ trong việc đệ trình ngân sách, Lầu Năm Góc đều bước vào tài khóa mới với ngân sách hoạt động tạm thời chứ không có dự luật phân bổ ngân sách quốc phòng cuối cùng.

Rõ ràng, việc tổng thống đệ trình ngân sách kịp thời không đảm bảo rằng Quốc hội sẽ đáp ứng các nghĩa vụ ngân sách của họ, nhưng việc đệ trình muộn sẽ khiến các nhà lập pháp càng khó đáp ứng đúng thời hạn.

Vì những lý do này, chính quyền Biden nên đặt mục tiêu phá kỷ lục do chính quyền Trump thiết lập trong việc đệ trình ngân sách cho tài khóa đầu tiên sau khi lên nắm quyền.

Bằng cách công bố đề xuất ngân sách vào hoặc trước ngày 11/3, chính quyền Biden sẽ loại bỏ phần lớn bất kỳ lý do nào mà Quốc hội có thể viện dẫn để không thông qua ngân sách quốc phòng trước đầu tài khóa 2022.

Chính quyền hiện đang xem xét dự thảo ngân sách quốc phòng đã được các cơ quan và Bộ Quốc phòng soạn thảo trong hơn một năm rưỡi qua. Tất nhiên, chính quyền mới phải cân nhắc kỹ nội dung của dự thảo này, đồng thời cũng cần nhận thức rõ rằng sự chậm trễ phát sinh không phải là không bị phạt.

Dự thảo ngân sách tốt được trình lên Quốc hội vào tháng 3 hoặc tháng 4 sẽ tốt hơn là một dự thảo hoàn hảo được đưa ra vào tháng 5./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục