Theo AFP/Đài RFI, năm nước châu Âu là Pháp, Đức, Luxembourg, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha ngày 14/8 đã nhất trí tiếp nhận 141 người di cư trên tàu cứu hộ Aquarius sau khi tàu này được phép cập cảng ở Malta.
Thỏa thuận trên đã chấm dứt chuỗi ngày bế tắc về số phận của những người di cư này sau khi được tàu Aquarius cứu trên Địa Trung Hải, nhưng cũng cho thấy kiểu giải pháp đó của châu Âu chỉ là tạm thời.
Trên trang mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo nước này sẽ tiếp nhận 60 người di cư trên tàu Aquarius. Trong khi đó, Đức thông báo sẽ nhận "tới 50 người."
Pháp cho biết sẽ chấp nhận 60 người từ Aquarius cũng như tàu cứu hộ thứ hai cập cảng Malta trước đó, và Bồ Đào Nha tuyên bố tiếp nhận 30 người di cư. Luxembourg cũng là một bên trong thỏa thuận.
Mặc dù đạt được thỏa thuận giải quyết số phận của 141 người di cư trên tàu Aquarius, song Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề di cư, nội vụ và quốc tịch Dimitris Avramopoulos cho rằng châu Âu cần tìm ra một giải pháp dài hạn cho vấn đề người di cư.
[5 nước châu Âu sẽ tiếp nhận người di cư trên tàu cứu hộ Aquarius]
Trong một tuyên bố, ông nói: "Chúng ta cần tới các giải pháp bền vững. Đây không phải là trách nhiệm của một hay của vài nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) mà là trách nhiệm của toàn khối."
Trong những ngày qua, dư luận châu Âu đã chăm chú theo dõi vụ việc này vì trước đó không một quốc gia nào trong EU, kể cả Italy - quốc gia gần vùng biển này - chấp nhận họ. Vụ việc này càng cho thấy các nước châu Âu vẫn chưa tìm ra được một giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng di dân mới, hai tháng sau khi đạt được một thỏa hiệp về hồ sơ này.
Ngày 17/6, sau nhiều tuần các nước châu Âu đổ trách nhiệm cho nhau, 630 người di cư mới được đón tiếp ở Tây Ban Nha. Sau vụ việc này, lãnh đạo 28 nước thành viên EU đã đạt được bản thỏa thuận tại Brussels (Bỉ).
Tuy nhiên, như Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo đạt được thỏa thuận thì dễ nhưng thực hiện mới là khó.
Lời cảnh báo của ông Donald Tusk đã được chứng thực với số phận của 141 thuyền nhân ở Địa Trung Hải, hiện đã được cứu lên tàu Aquarius mà hai tổ chức SOS Méditerranée và Bác sỹ không biên giới sử dụng.
Hai tổ chức phi chính phủ này đã nhiều lần kêu gọi các nước thành viên EU đảm nhận trách nhiệm trong vấn đề người di cư.
Trong cuộc khủng hoảng tháng 6 vừa qua, chính phủ Italy đã nhiều lần chỉ trích hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, cáo buộc những tổ chức này tiếp tay cho các đường dây buôn người khi không tuân lệnh của lực lượng tuần duyên Libya.
Thỏa thuận mà lãnh đạo 28 nước thành viên EU đạt được hồi tháng 6 vừa qua ghi rõ "tất cả các tàu hoạt động ở Địa Trung Hải phải tuân thủ luật lệ hiện hành và không cản trở các hoạt động của tuần duyên Libya."
Trả lời Đài phát thanh France Info ngày 13/8, Tổng Giám đốc SOS Méditerranée, Sophie Bleu, khẳng định họ đã tuân lệnh lực lượng tuần duyên Libya, đồng thời phối hợp với lực lượng này để cứu những người di cư nói trên.
Tuy nhiên, không một cảng nào của Libya có đủ điều kiện “an toàn” để tiếp nhận các thuyền nhân.
Bên cạnh đó, theo luật hàng hải quốc tế thì tàu Aquarius cũng không thể cập bến Libya, nên chiếc tàu này buộc phải quay sang những bờ biển gần nhất là Italy và Malta. Nhưng cả hai nước này đều đã từ chối.
Như vậy cuộc khủng hoảng di cư tháng 6 lại tái diễn, nhưng lần này không ai có thể trách Italy và Malta bởi theo thỏa thuận đạt được ở Brussels thì các nước thành viên EU đều thiết lập các trung tâm đón tiếp nhưng “trên cơ sở tự nguyện.”
Những nước châu Âu khác, cụ thể là Pháp, cũng đứng sau tấm bình phong thỏa thuận Brussels để không có hành động gì.
Trước thảm cảnh của thuyền nhân tàu Aquarius, nhiều nghị sỹ cánh tả ở Pháp đã lên tiếng kêu gọi mở một cảng ở Pháp để đón các thuyền nhân này.
Riêng Giám đốc của cảng Sète, Jean-Claude Gayssot, nguyên là một Bộ trưởng thuộc đảng Cộng sản Pháp, đã tuyên bố sẵn sàng đón chiếc Aquarius.
Hai dân biểu của đảo Corse, Gilles Simeoni et Jean-Guy Talamoni, đã tuyên bố Corse luôn sẵn sàng mở một cảng của đảo này để đón 141 thuyền nhân của Aquarius.
Sau sự việc trên, có thể kết luận giữa một bên là lòng nhân đạo và bên kia là chính sách di cư của EU vẫn còn một hố sâu ngăn cách, và giải pháp toàn diện cho vấn đề người di cư của châu Âu vẫn còn là câu hỏi lớn./.