Hồ sơ Pandora và mối đe dọa đối với nền quản trị dân chủ

Từ giới chính khách, doanh nhân, ngôi sao thể thao và những thần tượng trong lĩnh vực văn hóa đều rơi vào tình trạng "cháy nhà ra mặt chuột" trong vụ phanh phui các “thiên đường thuế” này.
Hồ sơ Pandora và mối đe dọa đối với nền quản trị dân chủ ảnh 1

Theo trang mạng project-syndicate.org, hồ sơ Pandora, một cuộc điều tra mới do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tiến hành, đã trở thành mồi lửa thổi bùng cơn giận dữ lây lan trên khắp thế giới.

Từ giới chính khách, doanh nhân, ngôi sao thể thao và những thần tượng trong lĩnh vực văn hóa đều rơi vào tình trạng "cháy nhà ra mặt chuột" trong vụ phanh phui các “thiên đường thuế” này.

Pandora bao gồm một danh sách dài những nhân vật "có máu mặt" sở hữu tài sản "kếch xù" thông qua các công ty bình phong ở hải ngoại để trốn thuế ở trong nước. Tuy nhiên, vai trò của giới luật sư và kế toán trong vụ việc này như thế nào?

Những vụ việc mà ICIJ - mạng lưới các phóng viên và tập đoàn truyền thông có trụ sở tại Washington - khui ra sau nỗ lực điều tra của mình không còn mới mẻ đối với công chúng.

Những bài viết mang tính điều tra này có ý nghĩa ở việc vạch ra được mức độ lừa dối tinh vi và sức mạnh của quả cầu lửa pháp lý được tận dụng và khai thác để những thế lực siêu giàu và đầy quyền lực dám "chơi ván bài pháp luật."

Tuy nhiên, chi tiết gây choáng váng thực sự lại là việc đã có hơn 600 phóng viên nhà báo điều tra trên khắp thế giới "vào cuộc" để phanh phui được sự việc nói trên, chấp nhận những rủi ro đến tính mạng và sự nghiệp tương lai của mình. Mức độ khó khăn của nhiệm vụ đó cho thấy giới luật sư, các nhà làm luật và tòa án đã nghiêng về lợi ích của giới tinh hoa như thế nào.

Để che giấu khối tài sản khổng lồ của mình, những người giàu có và quyền lực ngày nay đã sử dụng các chiến lược mã hóa pháp lý tồn tại từ hàng thế kỷ qua.

[Hồ sơ Pandora: Tiết lộ cách người giàu chọn mặt gửi vàng]

Vào năm 1535, Nhà vua Henry VIII của Anh đã thẳng tay đàn áp một phương tiện pháp lý được gọi là "sự lợi dụng" vì phương tiện này làm suy yếu các quan hệ tài sản (phong kiến) thời bấy giờ và được dùng như một công cụ tránh thuế.

Nhưng nhờ vào thực tiễn chính sách "chênh lệch về luật lệ" (legal arbitrage), hiện tượng các ngân hàng chuyển những hoạt động kinh doanh rủi ro nhất sang những nơi có quy định lỏng lẻo nhất, phương tiện bị trấn áp nói trên đã sớm được thay thế bằng một công cụ thậm chí còn mạnh mẽ hơn: “quỹ tín thác.”

Được mã hóa hợp pháp bởi luật sư và được các tòa án công nhận, quỹ tín thác vẫn là một trong những công cụ pháp lý khôn khéo nhất từng được "chế" ra để thiết lập và bảo vệ của cải tư nhân. Trước đây, quỹ tín thác cho phép người giàu phá vỡ các quy tắc thừa kế.

Ngày nay, quỹ tín thác là phương tiện phổ biến để tránh thuế và để cấu trúc các tài sản tài chính bao gồm chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản và các công cụ phái sinh của chúng.

Về mặt chức năng, một quỹ tín thác thay đổi các quyền và nghĩa vụ đối với một tài sản mà không tuân theo các quy tắc chính thức của luật tài sản. Do đó, công cụ này tạo ra một quyền sở hữu tài sản không rõ ràng. Việc thiết lập một quỹ tín thác đòi hỏi người thiết lập phải sở hữu một loại tài sản nào đó như đất đai, cổ phiếu hoặc trái phiếu và sự tồn tại của ba cá nhân: chủ sở hữu, người quản lý (người được ủy thác) và người thụ hưởng.

Ngoài ra, không cần bất kỳ cá nhân nào khác biết về thỏa thuận về việc thiết lập một quỹ tín thác giữa ba cá nhân nói trên. Sự mập mờ này khiến quỹ tín thác trở thành một công cụ "hoàn hảo" để chơi trò "trốn tìm" với giới chức ngành thuế và chủ nợ.

Ngoài ra, cùng vì tư cách pháp lý và những lợi ích kinh tế được phân chia giữa ba cá nhân nói trên, không ai trong số họ sẵn sàng đảm nhận những nghĩa vụ đi kèm với tình trạng sở hữu quỹ.

Quỹ tín thác đã trở thành một công cụ pháp lý mà giới tinh hoa toàn cầu tìm đến, thường thông qua một cơ chế pháp lý nào đó hơn là thông qua bàn tay vô hình trên thị trường.

Các luật sư đã nới lỏng những ranh giới pháp lý hiện có, các tòa án công nhận và thực thi những biện pháp nới lỏng của họ, sau đó các nhà lập pháp (nhiều người trong số họ có lẽ thuộc về các nhà tài trợ giàu có) đã hệ thống hóa các thực tiễn đó thành luật pháp. Khi các hạn chế trước đây bị loại bỏ, quy định đối với luật ủy thác cũng đã được mở rộng.

Những thay đổi pháp lý nói trên cho phép ngày càng có nhiều loại hình tài sản được nắm giữ trong quỹ tín thác. Vai trò của người được ủy thác có thể được trao cho các pháp nhân thay vì những cá nhân có quyền lực pháp lý như thẩm phán.

Ngoài ra, trách nhiệm ủy thác đã được cắt giảm, trách nhiệm của người được ủy thác bị hạn chế và thời gian duy trì quỹ tín ngày càng trở nên linh hoạt. Tất cả những điều chỉnh này làm cho quỹ tín thác "hội nhập" với hoạt động tài chính toàn cầu.

Những nước chưa có công cụ quỹ tín thác được khuyến khích triển khai và áp dụng công cụ này. Công ước La Haye về Tín thác, một hiệp ước quốc tế được đưa ra hồi năm 1985, ra đời vì mục tiêu này. Ở các quốc gia nơi các nhà lập pháp chống lại áp lực xử phạt quỹ tín thác, các luật sư đã thiết lập những công cụ pháp lý tương ứng dựa trên những luật lệ điều chỉnh các tổ chức, hiệp hội hoặc tập đoàn, để các tòa án sẽ xác nhận những điều chỉnh pháp lý của họ đối với quỹ tín thác.

Tuy nhiên, những giới hạn pháp lý đối với quỹ tín thác chỉ phát huy hiệu quả khi cơ quan lập pháp kiểm soát những luật lệ nào được thực hành trong phạm vi quyền hạn của mình. Trong thời đại toàn cầu hóa, phần lớn các cơ quan lập pháp đã bị tước mất quyền kiểm soát nói trên vì luật lệ đã trở nên mang tính phổ biến và được chuyển đổi cả sang nước ngoài.

Nếu một quốc gia không có luật “đúng”, thì một quốc gia khác có thể có luật này. Miễn là nơi hoạt động kinh doanh công nhận và thực thi luật pháp nước ngoài, thì thủ tục giấy tờ pháp lý và kế toán có thể được chuyển đến cơ quan tài phán nước ngoài thân thiện nhất và chứng thư được thực hiện.

Do đó, các hệ thống pháp luật quốc gia đã trở thành các hạng mục trong bảng danh sách những lựa chọn quốc tế để từ đó người sở hữu tài sản có thể lựa chọn những luật lệ mà họ muốn được áp dụng đối với tài sản của họ. Họ không cần sở hữu hộ chiếu hoặc thị thực để làm được điều này. Tất cả những gì họ cần là một cái vỏ bọc hợp pháp.

Khi sở hữu một danh tính pháp lý mới theo cách này, số ít những cá nhân có đặc quyền đặc lợi có thể quyết định số tiền phải nộp thuế và họ sẽ chịu bị chi phối bởi những quy định pháp lý mà họ lựa chọn ở trên.

Và nếu nảy sinh những trở ngại pháp lý không thể vượt qua một cách dễ dàng, thì các luật sư của các công ty luật hàng đầu thế giới sẽ soạn thảo luật để làm cho một quốc gia tuân thủ “các thông lệ tốt nhất” của hoạt động tài chính toàn cầu. Các thiên đường thuế và quỹ tín thác như Nam Dakota và quần đảo Virgin thuộc Anh cung cấp tiêu chuẩn vàng về vấn đề này.

Việc biến luật lệ thành một "mỏ vàng" phục vụ sự lừa dối của giới giàu có và quyền lực gây ra tác động tiêu cực vượt qua mối nguy hại về tình trạng bất công bằng trước mắt mà thực tiễn này gây ra. Nói cách khác, việc hủy hoại tính chất hợp pháp của luật lệ đe dọa nền tảng quản trị dân chủ vốn tồn tại lâu nay.

Giới giàu có và luật sư càng khăng khăng cho rằng mọi hành động của họ là hợp pháp thì công chúng càng mất niềm tin vào luật lệ. Ngày nay, giới nhà giàu trên khắp thế giới vẫn có thể tiếp tục lợi dụng luật pháp để sinh lợi cho nguồn của cải của mình.

Thế nhưng, sự thật là không một nguồn tài nguyên nào có thể được tận dụng và khai thác vĩnh viễn. Khó có thể khôi phục niềm tin của người dân đối với hệ thống luật pháp của một nước nào đó một khi đã đánh mất niềm tin ấy. Khi đó, giới giàu có cũng sẽ mất hết tài sản giá trị nhất của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục