Hỗ trợ người lao động ở tỉnh quay lại TP.HCM và tìm kiếm việc làm

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các tỉnh, trước mắt là các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến.
Hỗ trợ người lao động ở tỉnh quay lại TP.HCM và tìm kiếm việc làm ảnh 1Công nhân làm việc trong ngày đầu thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội tại Khu Công nghiệp Linh Trung 1(TP. Hồ Chí Minh). (Ảnh: TTXVN)

Tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 do Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều tối ngày 28/10, nhiều vấn đề về công tác phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh được dư luận quan tâm như: Các phương án hỗ trợ người lao động ở tỉnh quay lại thành phố; việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch tìm kiếm việc làm; kết quả thí điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn thành phố; công tác quản lý các dịch vụ ăn uống tại chỗ trong thời gian tới… đã được thông tin cụ thể.

Hỗ trợ kết nối thông tin cho lao động tìm việc làm

Về tình hình lao động, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm cho biết, hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh có 121.321 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với 1.897.295 lao động; trong đó có 1.321 doanh nghiệp/hơn 200.000 lao động thuộc các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất.

Thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu tìm việc làm ngày càng cao của người lao động, Sở Lao động Thương binh-Xã hội thành phố sẽ phối hợp với Thành Đoàn và Liên đoàn lao động thành phố cùng Liên đoàn lao động các cấp quận, huyện, thành phố Thủ Đức rà soát, lập danh sách người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để triển khai các hoạt động hỗ trợ, kết nối thông tin cho người lao động tìm việc làm.

[TP Hồ Chí Minh chính thức tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh]

Cùng với đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các tỉnh, trước mắt là các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức sàn giao dịch trực tuyến, dự kiến vào ngày 29/10 nhằm tạo cơ hội cho người lao động đã làm việc tại thành phố nhưng đang về quê được kết nối, giao lưu, gặp gỡ với các doanh nghiệp để nghe tư vấn, cung cấp thông tin cần thiết về các chính sách hỗ trợ; giúp doanh nghiệp mời người lao động trở lại làm việc.

Về tình hình chi gói hỗ trợ thứ 3 cho người dân thành phố, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm cho biết, thành phố đã chi hỗ trợ cho 5.614.238 người trên tổng số 7.400.000 người được duyệt và sẽ tiếp tục chi hỗ trợ đến hết tháng 10.

Các đoàn kiểm tra công tác hỗ trợ sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện tại 22 địa phương và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 10.

Liên quan tới việc người lao động trở lại thành phố có mong muốn được tiêm đủ vaccine, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các quận, huyện, phường, xã sẽ rà soát và lập danh sách công nhân trở lại thành phố, công nhân có đăng ký. Sau khi Sở Y tế Thành phố nhận được danh sách sẽ tổ chức tiêm vaccine đúng quy định.

Triển khai tiêm vaccine cho trẻ em

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn từ ngày 27/10 tại 2 điểm tiêm đầu tiên là huyện Củ Chi và Quận 1.

Hỗ trợ người lao động ở tỉnh quay lại TP.HCM và tìm kiếm việc làm ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Kết quả, trong ngày 27/10, thành phố đã tiêm cho 1.428 học sinh huyện Củ Chi và 260 học sinh tại Quận 1. Trong ngày 28/10, toàn thành phố đã có 20 quận, huyện và thành phố Thủ Đức tổ chức tiêm cho trẻ em, riêng quận Gò Vấp sẽ bắt đầu tiêm từ ngày 29/10.

Theo ghi nhận từ ngày 27/10 đến 12 giờ ngày 28/10, trên địa bàn thành phố có 39.756 trẻ được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng hoãn tiêm 167 trẻ, chống chỉ định 1 trẻ, chuyển đến tiêm ở bệnh viện là 44 trẻ. Qua giám sát, các điểm tiêm đều tổ chức an toàn về y tế và phòng, chống dịch. Các điểm tiêm chưa ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm, chỉ có tác dụng phụ nhẹ.

Về kế hoạch tiêm cho lứa tuổi thấp hơn (từ 12-15 tuổi), bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin, thành phố sẽ tiêm cho lứa tuổi 16-17 tuổi trước rồi sau đó sẽ hạ dần độ tuổi cho đến khi tiêm hết cho số trẻ trên địa bàn.

Theo kế hoạch, thành phố sẽ hoàn thành việc tiêm mũi 1 cho trẻ em trong 5-7 ngày và sau đó thêm 7 ngày để hoàn tất tiêm mũi 2. Bà Mai cho hay, thành phố dự kiến có khoảng 780.000 trẻ trong độ tuổi sẽ được tiêm chủng. Sở Y tế Thành phố đã dự trù đủ số lượng vaccine để tiêm theo đúng kế hoạch.

Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế chọn thí điểm tổ chức đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc với loại vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất, đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng.

Trước khi tiêm, cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ.

Thí điểm bán thức uống có cồn ở thành phố Thủ Đức và Quận 7

Thông tin về tình hình cung ứng hàng hóa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh Lê Huỳnh Minh Tú cho hay, nguồn hàng cung ứng cho thành phố hiện nay không có biến động, với khoảng 1.800 tấn/đêm. Mức cung ứng này rất ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu về hàng hóa của thành phố.

Bên cạnh đó, đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã mở lại 129/234 chợ truyền thống. Dự kiến, từ nay đến hết ngày 31/10, thành phố sẽ mở thêm 16 chợ truyền thống, góp phần giúp người dân mua sắm hàng hóa, nhu yếu phẩm dễ dàng hơn.

Về kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới, ông Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, mỗi năm vào thời gian này, Sở Công thương Thành phố đã có kế hoạch cung ứng hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm nay Sở Công thương thành phố đang phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh rà soát lại nguồn hàng với các đơn vị cung ứng để lên kế hoạch và báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố. Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân trong dịp Tết.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú cho biết thêm, các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn phục vụ khách hàng tại chỗ phải đáp ứng các quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ban hành kèm quyết định 3677 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố.

Riêng với hệ thống nhà hàng tổ chức tiệc cưới, thành phố cho phép sử dụng thức uống có cồn và phục vụ khách qua 21 giờ; tuy nhiên, số lượng người tham dự phải tuân thủ Chỉ thị 18 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, ông Lê Huỳnh Minh Tú thông tin, thành phố cho phép thí điểm bán thức uống có cồn ở thành phố Thủ Đức và Quận 7 nhưng không đồng nghĩa tất cả hàng quán ở 2 địa phương trên đều được mở bán, mà tùy theo tình hình thực tế, chính quyền địa phương quyết định khu vực, địa điểm cụ thể nào trong địa phương mình được kinh doanh dịch vụ này.

Thời gian thực hiện thí điểm đến hết ngày 15/11.

Tăng cường tổ tuần tra lưu động

Liên quan đến tình hình an ninh, trật tự, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau khi ngưng hoạt động 51 chốt kiểm soát liên tỉnh, Giám đốc Công an Thành phố đã chỉ đạo công an các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường tổ tuần tra lưu động.

Thống kê cho thấy các đơn vị đã tổ chức trên 600 lượt tuần tra mỗi ngày, riêng trong ngày 27/10 tổ chức 641 lượt, ngày 28/10 là 637 lượt.

Qua đó, đã xử lý 1.563 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông với số tiền xử phạt hơn 248 triệu đồng; trong đó có 4 trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Thông tin thêm về việc đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau thời gian kiểm soát được dịch bệnh, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho hay, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch và dự kiến tình huống.

Ở thời điểm hiện tại, một số loại tội phạm như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng so với thời kỳ Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, nhưng tổng thể tình hình phạm pháp hình sự vẫn giảm 78 vụ so với cùng kỳ năm 2020.

Trong thời gian tới, Công an Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo tăng cường lực lượng cảnh sát khu vực cho địa phương; chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ sử dụng tốt trang thiết bị kỹ thuật để rà soát, nắm tình hình và chỉ đạo các lực lượng, đẩy mạnh công tác điều tra, giám sát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục