"Hỗ trợ nhà ở xã hội gián tiếp tạo ra sự tăng trưởng kinh tế"

Đầu tư cho nhà ở xã hội cũng gián tiếp tạo ra sự tăng trưởng kinh tế do kích thích được các lĩnh vực liên quan khác như nội thất, vật liệu xây dựng, thép, điện...
"Hỗ trợ nhà ở xã hội gián tiếp tạo ra sự tăng trưởng kinh tế" ảnh 1Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: T.H/Vietnam+).

Ngày 24/10, các đại biểu Quốc hội đã nghe báo cáo, giải trình tiếp thu hai dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản, bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc trao đổi với báo chí để làm rõ thêm những ý kiến liên quan đến hai Luật này.

- Quy định dành quỹ đất 20% tại các khu đô thị để làm nhà ở xã hội cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Nhiều nước đã thực hiện mô hình này rồi. Ví dụ như Pháp yêu cầu dành 30% quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội để người dân có thu nhập trung bình được hưởng hạ tầng này, tạo sự bình đẳng, tiến bộ, công bằng trong xã hội. Người giàu người nghèo phân biệt nhau ở nội thất bên trong và diện tích sử dụng. Khi ở chung, người giàu hỗ trợ người nghèo, người nghèo học tập người giàu và sẽ giúp hạn chế tệ nạn xã hội.

Tại Hà Nội, mô hình nhà ở xã hội đan xen với nhà thương mại đã rất thành công, điển hình như khu Đặng Xá (Gia Lâm) và không hề có mâu thuẫn gì. Tuy nhiên, nói vậy cũng không phải khu vực nào cũng buộc phải bố trí nhà thương mại cùng nhà ở xã hội. Có những khu nhà ở xã hội riêng, đồng bộ với những dịch vụ thuận lợi. Mục tiêu là giúp người thu nhập thấp được hưởng dịch vụ, hạ tầng tiện ích nhưng giá vẫn rẻ, tiết kiệm được chi phí, nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Trong phiên thảo luận hôm nay, nhiều đại biểu chưa tán thành việc lập Quỹ hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Quỹ nhà ở xã hội thì nhiều nước đã làm, đặc biệt là những nước trong khu vực như Malaysia, Singapore và ngay cả nước phát triển như Đức cũng vậy. Theo họ, nhà ở là tài sản cần vốn lớn. Nếu không có nguồn vốn dài hạn thì rất khó khăn để những người có thu nhập hạn chế cải tạo nhà ở. Quỹ này là một nguồn, một thiết chế để tạo vốn dài hạn cho người dân có nhu cầu vay để mua, thuê mua nhà.

Việt Nam cũng có nhiều cách để huy động. Tuy nhiên, nếu để khuyến khích các địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội nhiều thì nên phát triển quỹ nhà này.

- Việc nhà nước rót vốn hỗ trợ cho nhà ở xã hội cũng là một hình thức đầu tư, vậy cái nào sẽ hiệu quả hơn khi so sánh giữa bất động sản cho người thu nhập thấp và các lĩnh vực khác?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Hỗ trợ nhà ở xã hội bằng cách không thu tiền sử dụng đất cũng là một hình thức đầu tư của nhà nước, điều này là thực tế. Đầu tư cho nhà ở xã hội không chỉ lợi về mặt kinh tế mà còn có lợi cả về mặt xã hội. Nó vừa giúp người dân có nhà ở mà còn tạo ra sự phát triển kinh tế.

Đây là một kênh đầu tư và chính là đầu tư xây dựng. Thay vì đầu tư các loại hình khác thì đầu tư cho nhà ở xã hội cũng gián tiếp tạo ra sự tăng trưởng kinh tế do kích thích được các lĩnh vực liên quan khác như nội thất, vật liệu xây dựng, thép, điện... cùng phát triển.

Ở các nước phát triển, khi khủng hoảng kinh tế, tăng trưởng thấp, người ta phải hỗ trợ tăng cầu bằng cách đầu tư nhà ở xã hội để vừa tạo việc làm mới, vừa đảm bảo an sinh xã hội. Đầu tư nhà ở cũng là đầu tư phát triển. Chúng tôi làm Luật này rất gai góc, nêu được những quan điểm hết sức mới để chống tham nhũng, để giữ tiền cho Nhà nước. Chúng ta bỏ tiền ra thì phải quản lý chặt, chứ không thể ném tiền qua cửa sổ được.

Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là người nhiều tiền không bao giờ mua nhà này. Nhưng những người đã vào ở các khu nhà ở xã hội đều là người thực sự có nhu cầu. Quả thực, với tất cả cán bộ công chức, nếu không có bạn bè, người thân hỗ trợ, chắc chắn khó có thể mua được nhà trong thời gian ngắn. Theo kết quả điều ra, hiện có khoảng 80% người có nhu cầu mua nhà vẫn cần mua loại nhà thu nhập thấp.

- Khi hai dự thảo Luật Nhà ở và Luật kinh doanh Bất động sản được thông qua trong kỳ họp này sẽ có tác động thế nào đến thị trường bất động sản Việt Nam, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Hai Luật này có những quan điểm rất rõ, trước hết là yêu cầu phát triển nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung phải theo quy hoạch và kế hoạch, thay vì trước đây phát triển một cách lộn xộn, tự phát theo phong trào. Đó là nguyên nhân dẫn đến dư thừa hàng hóa, lệch pha cung cầu khiến thị trường rơi vào khủng hoảng... như trong thời gian qua.

Hai Luật này đặt ra những nguyên tắc cụ thể, trong đó quan trọng nhất là phát triển nhà ở và bất động sản phải tuân thủ theo quy hoạch nhưng cũng phải có kế hoạch. Cùng với đó là nâng cao chất lượng quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, thay vì tất cả các vấn đề đều phó mặc cho thị trường quyết định. Việc thực hiện điều tiết cả bằng bàn tay hữu hình và vô hình sẽ đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Luật Nhà ở là cơ sở để thực hiện mục tiêu nhà ở phải đến được với người dân. Cùng đó, cả hai Luật này là công cụ, cơ sở pháp lý tạo điều kiện để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục