Hòa đàm Syria sẽ diễn ra theo thể thức họp kín tại Kazakhstan

Vòng hòa đàm mới về cuộc xung đột Syria do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ sẽ diễn ra ngày 15/2 tại thủ đô Astana của Kazakhstan theo thể thức họp kín.
Hòa đàm Syria sẽ diễn ra theo thể thức họp kín tại Kazakhstan ảnh 1Quang cảnh vòng đàm phán hòa bình ở Syria diễn ra ở thủ đô Astana của Kazakhstan hồi tháng 1. (Nguồn: NPR)

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn các nguồn tin khu vực cho biết, vòng hòa đàm mới về cuộc xung đột Syria do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ sẽ diễn ra ngày 15/2 tại thủ đô Astana của Kazakhstan theo thể thức họp kín.

Trong vòng hòa đàm tại Astana cách đây gần 3 tuần, đại diện của chính quyền Damascus và các nhóm vũ trang đối lập không đạt được được bước đột phá nào trong các cuộc đàm phán gián tiếp.

Các cuộc đàm phán tại Astana được coi là sự khởi động cho các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ dự kiến bắt đầu diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 23/2 tới.

Trong khi giới chức Kazakhstan thông báo đã mời đại diện của Chính phủ Syria và các nhóm nổi dậy tham gia vòng đàm phán hòa bình sắp tới, một số đại diện của nhóm đối lập từng tham gia vòng hòa đàm Astana trước đó cho biết vẫn chưa nhận được lời mời chính thức.

Chính phủ Syria xác nhận sẽ cử Đại sứ nước này tại Liên hợp quốc, ông Bashar al-Jaafari, tới tham dự các cuộc đàm phán tại Astana.

Đại diện của Nga là Đặc phái viên của Tổng thống nước này, ông Alexander Lavrentiev, trong khi Iran cử Thứ trưởng Ngoại giao Hossein Jaberi Ansari.

Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura cho biết sẽ không tham dự vòng hòa đàm Astana mới nhất này, song nói rằng Văn phòng của ông sẽ cử một "nhóm kỹ thuật" tới giám sát.

Giới phân tích cho rằng Sáng kiến Astana do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ đã gạt phương Tây sang một bên trong nỗ lực mới nhất nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 6 năm qua tại Syria. Nga đã mời Mỹ tham dự với tư cách "quan sát viên" nhưng Bộ Ngoai giao Mỹ tới nay vẫn chưa xác nhận Washington có cử đại diện tới hay không.

Vòng hòa đàm Astana lần này có thể sẽ tập trung vào vấn đề thúc đẩy một lệnh ngừng bắn lâu dài trên thực địa sau khi Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thiết lập một cơ chế nhằm đảm bảo tính bền vững của thỏa thuận ngừng bắn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục