Sau một thời gian im ắng, ca sỹ Phạm Thu Hà - giọng ca bán cổ điển hiếm hoi của “làng” nhạc Việt tái xuất với “Chạm.” Đây là album thứ sáu trong sự nghiệp ca hát của cô.
“Chạm” gồm chín bản tình ca của những tên tuổi hàng đầu trong nền tân nhạc Việt Nam như Phạm Duy, Lam Phương, Cung Tiến, Nguyễn Ánh 9, Từ Công Phụng.
Ở đó, Phạm Thu Hà “khoác” cho những ca khúc đã “đóng đinh” với tên tuổi nhiều ca sỹ thế hệ trước “chiếc áo mới,” tiếp tục hành trình đưa nhạc bán cổ điển đến gần hơn với công chúng. Có thể coi đây là một “cuộc chơi” táo bạo của Phạm Thu Hà.
- Tại sao chị chọn tình ca cho lần tái xuất này của mình?
Phạm Thu Hà: Đây không phải lần đầu tiên tôi hát tình ca. Cách đây 2 năm, tôi đã thực hiện album “Đường em đi” với chín ca khúc của nhạc sỹ Phạm Duy, được phối bởi nhạc sỹ Duy Cường theo phong cách thính phòng cổ điển. Tôi rất hạnh phúc khi khán giả đón nhận nồng nhiệt album đó. Chính sự chào đón của công chúng là động lực lớn nhất để tôi tiếp tục thực hiện album tình ca tiếp theo trong sự nghiệp ca hát của mình.
[Taylor Swift đứng đầu danh sách nghệ sỹ có thu nhập cao nhất]
Mặc dù tôi theo học nhạc thính phòng tại nhạc viện nhưng lại có mối duyên đặc biệt với những khúc tình ca. Tôi có thói quen tìm hiểu bối cảnh ra đời, những câu chuyện phía sau khuông nhạc liên quan đến các bài hát tình ca nổi tiếng. Khi đã thực sự hiểu, tôi càng trân trọng hơn các nhạc phẩm và những nhạc sỹ tài hoa.
Theo thời gian, bản thân tôi có nhiều trải nghiệm sâu sắc hơn (trong cả cuộc sống và công việc). Từ đó, tôi tiếp tục tìm thấy sự đồng cảm với những giai điệu, ca từ sâu lắng của những bản tình ca và muốn hát những ca khúc đó.
- Đặt tên album là “Chạm,” phải chăng, Phạm Thu Hà muốn gợi mở về một về những thử nghiệm, cuộc “chạm ngõ” mới?
Phạm Thu Hà: “Chạm” là một nhan đề khiến tôi cảm thấy rất ưng ý, đúng với những gì mà tôi mong muốn, kỳ vọng ở sản phẩm âm nhạc này: chạm tới trái tim, cảm xúc của khán giả. “Chạm” gợi đến sự tiếp xúc nhẹ nhàng, êm ái nhưng rất sâu lắng, xuất phát từ sự đồng cảm, đồng điệu.
Tôi theo đuổi phong cách classical crossover (cổ điển giao thoa). Bởi vậy, qua từng sản phẩm âm nhạc, tôi muốn tự “làm mới” và thử thách chính mình. “Chạm” là sự nối dài hành trình giao thoa hát cổ điển với các phong cách đương đại (như chillout, jazz, dance…) từ những album trước (“Tựa như gió phiêu du,” “Hà Nội… yêu,” “Đường em đi”…).
- Nhiều bài hát trong “Chạm” (như “Mắt lệ xa cách,” “Một mình,” “Nghìn trùng xa cách” hay “Cho em quên tuổi ngọc”…) từng gắn liền với tên tuổi của những danh ca, nghệ sỹ đi trước (Khánh Hà, Ý Lan…). Khi lựa chọn thể hiện những nhạc phẩm ấy, chị có nghĩ đến câu chuyện người nghe sẽ đặt ra những so sánh?
Phạm Thu Hà: Con đường tôi đi, hành trình đưa nhạc bán cổ điển tiệm cận khán giả có rất nhiều chông gai. Nếu lúc nào cũng ở trong trạng thái lo sợ bị so sánh hoặc nghĩ về những khó khăn thì có lẽ tôi đã không thể đi được trên con đường ấy cho đến ngày hôm nay.
Mỗi nghệ sỹ có cách hát, xử lý ca khúc riêng tùy theo cảm nhận và sở trường của bản thân. Sau 3 năm (kể từ khoảng giữa 2016), với rất nhiều những tranh luận, trao đổi và những cuộc đi đi về về giữa Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, tôi và nhạc sỹ Nguyễn Anh Khoa (người phối khí cho “Chạm”) cùng cả êkíp mới hoàn thành album này.
Năm đầu tiên, các bản thu âm được thực hiện tại phòng thu của nhạc sỹ Nguyễn Anh Khoa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Quá trình biên tập, sửa đổi kéo dài trong 2 năm tiếp theo. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ để sắp xếp, tạo nên một “câu chuyện âm nhạc” với những lớp lang ý tứ, cung bậc cảm xúc khác nhau.
Tôi thể hiện những ca khúc ấy theo hơi hướng bán cổ điển. Điều đó vừa giúp tôi đưa nhạc bán cổ điển đến gần hơn với công chúng vừa tạo nên một diện mạo mới cho những các ca khúc “vang bóng một thời.” Về tổng thể, các ca khúc được phối trẻ trung hơn nhưng vẫn giữ chất trữ tình trong tác phẩm và chất cổ điển theo phong cách hát mà tôi theo đuổi.
- Sau “Chạm,” chặng đường tiếp theo của Phạm Thu Hà sẽ thế nào?
Phạm Thu Hà: Dự kiến, vào cuối tháng Mười tới đây, tôi sẽ thực hiện “Về nhà” - liveshow cá nhân đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của mình.
Tôi sinh ra ở thành phố Hải Phòng, tuổi thơ gắn liền với thành phố cảng. Dù tôi không “ăn sóng nói gió” được như bao người dân vùng biển khác nhưng tôi luôn tự hào về vùng đất và con người quê hương mình.
Tôi thường nghĩ mình sinh ra là để hát và niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là được hát ở chính quê hương mình. Đây cũng là lý do tôi chọn Hải Phòng là nơi tổ chức liveshow cá nhân đầu tiên của mình.
“Về nhà” sẽ là một đêm nhạc để tôi thể hiện sự tri ân chính mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn mình. Hiện nay, chương trình đang được lên khung với sự tham gia của nhiều khách mời đặc biệt.
Bên cạnh âm nhạc, tôi cũng đam mê thời trang, đặc biệt là thời trang chuyên dụng. Thiết kế thời trang cũng là một cách giúp tôi tái tạo năng lượng, bồi đắp óc sáng tạo. Mỗi khi bước ra khỏi phòng thu, rời sân khấu để đến bên bàn, xưởng thiết kế, tôi có cảm giác thư thái, thích thú khi có thêm những trải nghiệm mới mẻ. Hiện nay, tôi mới hoàn thiện một bộ sưu tập trên chất liệu linen.
- Trân trọng cảm ơn chị!
Album “Chạm” gồm chín ca khúc: “Nghìn trùng xa cách,” “Rồi đây anh sẽ đưa em về” (Phạm Duy), “Em đi rồi,” “Một mình,” “Cho em quên tuổi ngọc” (Lam Phương), “Tuổi xa người” (Từ Công Phụng), “Mắt lệ cho người” (Từ Công Phụng), “Hương xưa” (Cung Tiến) và “Tiếng hát lạc loài” (Nguyễn Ánh 9). Từ những sản phẩm âm nhạc đầu tiên, Phạm Thu Hà luôn cho thấy nỗ lực khai phá thể loại khi kết hợp phong cách thính phòng cổ điển với những phong cách đương đại (như chillout, jazz, dance, pop…). Năm 2013, Phạm Thu Hà giành giải Âm nhạc Cống hiến (do Báo Thể thao và Văn hóa - TTXVN tổ chức) với album “Classic Meets Chillout.” |