Hoàn thiện khung pháp lý hoạt động kiểm toán, đáp ứng yêu cầu thực tế

Thực tế cho thấy nhiều quy định trong Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 không còn phù hợp, gây bất lợi cho hoạt động kiểm toán cần được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Kiểm toán thực tế tại công trường xây dựng Trụ sở Bộ Ngoại giao (Hà Nội). (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Kiểm toán thực tế tại công trường xây dựng Trụ sở Bộ Ngoại giao (Hà Nội). (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Qua thực tiễn, hoạt động Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định được vai trò không thể thiếu trong hệ thống kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước.

Những kết quả kiểm toán trung thực, chính xác, khách quan của cơ quan Kiểm toán Nhà nước không chỉ giúp Chính phủ, Quốc hội đánh giá đúng tình hình thực trạng tài chính ngân sách nhà nước mà còn cung cấp các thông tin làm căn cứ cho việc hoạch định các chính sách kinh tế, ra các quyết định có hiệu lực cao.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều quy định trong Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 không còn phù hợp, gây bất lợi cho hoạt động kiểm toán cần được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị tăng thu cho ngân sách nhà nước với số tiền khá lớn. Đến thời điểm 31/12/2018, qua kết quả kiểm toán đối với 248/276 báo cáo kiểm toán phát hành đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng.

Qua đối chiếu thuế của 2.969 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 43 địa phương, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu thêm cho ngân sách nhà nước hơn 1.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết thời gian qua, khi tiến hành kiểm tra, đối chiếu các đơn vị, tổ chức có liên quan (bên thứ ba), Kiểm toán Nhà nước phải tác nghiệp thông qua cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước (Sở Tài chính, Sở Tài nguyên Môi trường).

Song do nhận thức và việc áp dụng pháp luật của một bộ phận chưa thống nhất, nhiều cơ quan vẫn quan niệm, khi đơn vị không phải là đơn vị được kiểm toán sẽ không chịu sự kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Thực tế, Kiểm toán Nhà nước đã gặp không ít các trường hợp có hành vi chống đối, không hợp tác, không chấp hành cung cấp tài liệu, gây khó khăn cho hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Theo pháp luật thuế hiện hành, người nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế (có nghĩa khoảng 82% đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra). Việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, hiện làm thất thu lớn ngân sách nhà nước.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tại Đại hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao thế giới năm 1977, Peru đã ra Tuyên bố Lima khẳng định cơ quan kiểm toán tối cao phải có quyền kiểm toán việc thu thuế ở mức càng rộng càng tốt, khi thực hiện việc này phải có quyền kiểm tra hồ sơ thuế cá nhân.

Nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác trong cộng đồng Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), kinh nghiệm Phần Lan, Cộng hòa Liên bang Nga, Cộng hòa Ireland (thuộc cộng đồng Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Âu - EUROSAI), kinh nghiệm New Zealand, Hoa Kỳ… cũng cho thấy, kiểm toán thuế được nhiều cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới thực hiện với các cấp độ khác nhau, không phân biệt mô hình tổ chức trong bộ máy nhà nước.

Ở đại đa số các nước, kiểm toán thuế là một bộ phận quan trọng của kiểm toán tài chính công, đầu mối chính của kiểm toán thuế là các cơ quan thu, cơ quan quản lý và thực hiện tại các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nộp thuế. Như vậy, theo Tuyên bố Lima và thông lệ các nước, việc kiểm toán thuế được thực hiện toàn diện bao gồm cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế.

[Sửa đổi Luật Kiểm toán NN giúp nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công]

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán là hai phạm trù có quan hệ mật thiết, tác động qua lại với nhau.

Mặc dù đối tượng được kiểm toán đã được Luật Kiểm toán hà nước, Hiến pháp quy định rõ ràng nhưng đơn vị được kiểm toán tại Điều 55 lại chưa quy định bao quát hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Do vậy, Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi cần quy định đầy đủ để làm cơ sở tiến hành kiểm toán đối với tất cả các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Hoàn thiện khung pháp lý hoạt động kiểm toán, đáp ứng yêu cầu thực tế ảnh 1Hoạt động nghiệp vụ của Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 5 tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Các đại biểu Quốc hội cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập trong hoạt động kiểm toán, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng sau 25 năm phát triển và trưởng thành, đến nay Kiểm toán Nhà nước đang bước vào giai đoạn cuối của Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 và chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội, thách thức đan xen.

Phó Thủ tướng cho rằng Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, trọng trách được Đảng và Nhà nước giao để xứng tầm là một thiết chế được Hiến định, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, phát huy tốt hơn nữa vai trò của Kiểm toán Nhà nước vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động kiểm toán theo hướng cụ thể hóa các quy định về Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp năm 2013 và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 một cách đầy đủ, hiệu lực, có chất lượng; đồng thời cần thường xuyên chú trọng tạo dựng và hoàn thiện khuôn khổ chuyên môn, nghề nghiệp, các chuẩn mực, quy trình và phương pháp nghiệp vụ cho tổ chức và hoạt động kiểm toán, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục