Hoàn thiện Tờ trình đề xuất chủ trương đầu tư chương trình giảm nghèo

Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổng hợp hoàn thiện Tờ trình và Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững.
Hoàn thiện Tờ trình đề xuất chủ trương đầu tư chương trình giảm nghèo ảnh 1Nông dân chăm sóc vườn cây càphê. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Theo Công văn số 8932/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ về việc đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổng hợp, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện Tờ trình và Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký và chịu trách nhiệm về nội dung Tờ trình và Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, gửi Quốc hội theo quy định.

[Khẩn trương xây dựng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025]

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã đạt được các mục tiêu như giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm nâng thu nhập của hộ nghèo cả nước.

Chương trình cũng góp phần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo…; tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số chỉ tiêu chưa thực hiện xong và cần thực hiện trong giai đoạn tới.

Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 đưa ra mục tiêu tổng quát là bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, phấn đấu từng bước xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói cho tất cả mọi người dân; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, tạo việc làm đầy đủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, giảm bất bình đẳng trong xã hội.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình là tăng cường sự kết nối về hạ tầng, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế, khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của mọi người dân, đặc biệt là người nghèo.

Bên cạnh đó, Chương trình hướng tới nâng cao chất lượng nhân lực, tạo việc làm gắn với thu nhập, bảo đảm tốc độ tăng trưởng thu nhập của 40% dân số có thu nhập thấp nhất cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục