Dự án “Trò chuyện” đánh dấu sự trở lại ấn tượng của nghệ sỹ violin Hoàng Rob sau khoảng ba năm vắng bóng trên “đường đua” nhạc Việt. Từ việc kết hợp với nhiều tên tuổi hàng đầu (Trần Thu Hà, Thu Phương, Quang Dũng, Lê Hiếu) và những giọng ca trẻ trung, tươi mới của làng nhạc hiện nay (Đức Phúc, Kiều Anh), “Trò chuyện” tiếp tục định hình phong cách, tư duy và thẩm mỹ chơi nhạc của Hoàng Rob: giao thoa giữa cổ điển và hiện đại, giữa dân gian và đương đại.
Với dự án lần này, Hoàng Rob tiếp tục hành trình đưa tiếng đàn violin đến gần người nghe đại chúng hơn bằng những giai điệu pop ballad.
Bước trưởng thành về tư duy
“Trò chuyện” không phải là cuộc đối thoại đầu tiên diễn ra trong không gian âm nhạc của Hoàng Rob. Tuy nhiên, so với những dự án trước đó như “Hừng đông,” album “Trò chuyện” cho thấy rõ bước trưởng thành của Hoàng Rob.
“Hừng đông” từng góp phần tạo nên dấu ấn của một nghệ sỹ mới, định hình cá tính của một gương mặt trẻ với những cuộc đối thoại giữa các yếu tố cũ-mới, Đông-Tây, giữa những âm thanh thô mộc và nhạc điện tử… “Trò chuyện” tiếp tục hành trình ấy nhưng có nhiều màu sắc khác biệt.
“Trò chuyện” không đơn thuần là sự nối dài cách thức làm nhạc từ “Hừng đông” (ra mắt từ ba năm về trước). Thay vào đó, album này cho thấy sự đổi mới, trưởng thành hơn trong tư duy của Hoàng Rob.
[Album của năm: Chân dung, tầm vóc nghệ sỹ qua những sản phẩm mới mẻ]
“Sau ‘Hừng đông,’ đã có lúc tôi cảm thấy hoang mang, áp lực không biết phải làm gì tiếp theo. Trong hơn hai năm vừa qua, tôi dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch để tái tạo năng lượng, thiết lập những mối quan hệ mới, gặp gỡ những người bạn mới. Khi tự cho mình thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu cuộc sống, tôi đã nảy ra những ý tưởng mới. Chính trong khoảng thời gian này, tôi đã làm được ba album, trong đó có ‘Trò chuyện’,” Hoàng Rob chia sẻ.
“Trò chuyện” có sự khác biệt về phong cách so với những dự án trước đó của Hoàng Rob. “Tôi không muốn violin chỉ được vang lên ở những ‘tháp ngà,’ thánh đường nghệ thuật, bó mình trong những khuôn khổ, quy tắc nghiêm ngặt của nhạc cổ điển,” Hoàng Rob chia sẻ. Với tinh thần đấy, Hoàng Rob đã mời sáu nghệ sỹ (cũng là sáu người “bạn nghề" có những rung cảm đặc biệt với ballad, với violin và với chính Hoàng) để cùng thực hiện những cuộc “Trò chuyện.”
Nói khác đi, nếu “Hừng đông” mang nặng tính thử nghiệm, được kết cấu chặt chẽ với một sợi dây, ý tưởng nhất quán xuyên suốt từ đầu đến cuối thì “Trò chuyện” là những cuộc đối thoại nhẹ nhàng nhưng sâu lắng giữa tiếng violin của Hoàng Rob và những giọng ca mà anh yêu mến.
Sau “Hừng đông,” nếu khán giả mong chờ một ý tưởng mới lạ, độc đáo, khác biệt ở sản phẩm âm nhạc mới của Hoàng Rob thì “Trò chuyện” thực sự là cú “dội ngược” vào mong đợi đó. “Hừng đông” nhộn nhịp âm hưởng của đời sống phố thị, vang ngân tiếng nói của tuổi trẻ với dung lượng lớn âm thanh điện tử, bắt kịp trào lưu âm nhạc gần đây. Trong khi đó, “Trò chuyện” tràn ngập những giai điệu pop ballad trữ tình, da diết và lắng sâu.
Thế nhưng, ở một phương diện khác, khi xâu chuỗi toàn bộ sáu ca khúc trong album này, người nghe nhận thấy nhiều phá cách thú vị của Hoàng Rob, trong đó, nổi bật nhất là sự đổi mới tư duy - một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để một người hát, một người đàn trở thành nghệ sỹ đích thực, đủ nội lực để đi đường dài, dẫn hướng người nghe, định hình dòng nhạc, kiến tạo xu hướng.
Hoàng Rob cho thấy một sự trưởng thành trong cách làm nhạc. Nếu ở album trước, Hoàng Rob chịu sự chi phối nhiều từ êkíp sản xuất thì với “Trò chuyện,” anh thực hiện hành trình tự “giải phóng” bản thân. Hoàng Rob tự do làm điều mình thích: chủ động chọn bài, mời nghệ sỹ hợp tác, tự định vị đối tượng khán giả muốn hướng tới và quan trọng hơn cả là chủ động tham gia sâu vào phần sản xuất.
“Với một bản thu hoàn chỉnh, chuẩn bị được mang đi in đĩa nhưng nếu khi nghe lại lần cuối, nhận thấy dù chỉ một nốt nhạc chưa ưng, Hoàng Rob vẫn yêu cầu làm lại từ đầu,” đại diện êkíp sản xuất “Trò chuyện” kể.
Chính việc được tự do thể hiện, biết rõ bản thân muốn hướng tới điều gì và thực hiện theo cách thức nào cho thấy sự trưởng thành của Hoàng Rob: từ “hiện tượng mạng” với những MV được quay ở những địa danh nổi tiếng (như Sơn Đòong), Hoàng Rob từng bước chinh phục khán giả với dự án “Hừng đông” (gồm album hòa tấu và concert vionlin đầu tiên ở Việt Nam) và album “Trò chuyện” (bình dân hóa violin, đưa violin đến gần hơn với người nghe đại chúng).
“Bình dân hoá” violin để đến gần khán giả đại chúng
Nếu như trước đây, tiếng violin thường xuất hiện trong những màn độc tấu hay hòa tấu cùng dàn nhạc giao hưởng, hoặc làm nền, đệm cho phần trình diễn ca khúc thì ở album này, tiếng violin trực tiếp “trò chuyện,” song hành cùng tiếng hát của nghệ sỹ để kể những câu chuyện tình yêu nhiều cung bậc cảm xúc.
Chọn tinh thần ballad để “Trò chuyện,” Hoàng Rob thể hiện rõ mong muốn phổ biến hơn nữa âm nhạc của mình. “Ngay từ khi bắt đầu dự án, tôi đã xác định rõ hướng đi của mình. Ở Việt Nam, công chúng ít chú ý tới nghệ sỹ nhạc cụ. Tôi luôn muốn cây violin không chỉ xuất hiện ở những ‘tháp ngà,’ thánh đường nghệ thuật mà sẽ gần gũi hơn với khán giả đại chúng. Khán giả có thể nghe ở mọi nơi, mọi lúc,” Hoàng Rob bày tỏ.
Đây cũng là lý do Hoàng Rob mời những gương mặt trẻ (như Đức Phúc, Lê Hiếu, Kiều Anh) cùng tham gia dự án “Trò chuyện” bên cạnh những diva, nghệ sỹ thành danh (Hà Trần, Thu Phương, Quang Dũng).
Nói về lý do thuyết phục những nghệ sỹ thành danh (Thu Phương, Trần Thu Hà) đồng hành trong nhiều dự án, Hoàng Rob chia sẻ: “Tôi nghĩ, nghệ sỹ luôn có điểm chung là sự nhạy cảm, hướng đến sáng tạo. Trước những cái mới, thử thách mới, ai cũng hào hứng và cảm thấy được kích hoạt. Đó là lý do giúp tôi mời được những nghệ sỹ nổi tiếng và rất đắt khách hiện nay tham gia các dự án của mình.”
Với “Ngày ấy ta gặp lại,” tiếng đàn của Hoàng Rob làm dịu bớt đi nỗi day dứt trong giọng ca của Thu Phương. Còn với “Đừng rời xa tôi,” tiếng violin của Hoàng Rob da diết như lời van vỉ, hòa quyện cùng tiếng hát của Đức Phúc khi thể hiện nỗi buồn sâu lắng. Cùng với Lê Hiếu của “Thế là thôi,” âm thanh tiếng đàn vang ngân dịu dàng, như đôi bàn tay ấm áp an ủi người buồn trước thái độ muốn buông xuôi.
Bên cạnh đó, tiếng đàn ấy cũng có đôi lúc vọt lên, xoáy sâu vào tâm trạng nhân vật, gom từng ráng chiều làm cơn bão lớn trong “Tặng” (kết hợp cùng Quang Dũng).
“Độc ẩm” như cơn hạnh ngộ đối ẩm chuếnh choáng của hai người bạn, hai nghệ sỹ: Hoàng Rob và ca nương Kiều Anh. Ở đó, tiếng đàn đối thoại với tiếng hát, làm nên một không gian lắng sâu và có phần ngột ngạt.
“Mây bay cuối trời” vẫn luôn có sức hút theo thời gian, giống như giọng ca của diva Hà Trần. Thời lượng tiếng đàn cân bằng, đồng hiện với tiếng hát. Sự khắt khe, “tính toán” chuẩn xác đến mức cầu toàn của Hoàng Rob đã biến album này một cuộc “Trò chuyện” thú vị. Giọng ca các nghệ sỹ và tiếng violin của Hoàng Rob cùng thăng hoa, tràn đầy cảm xúc, không che mờ, lấn át nhau.
Cách làm của Hoàng Rob và các cộng sự trong “Trò chuyện” tuy không thật mới nhưng rất khéo léo. Nếu Hà Trần, Quang Dũng, Thu Phương phù hợp những khán giả muốn ngược dòng thời gian thì Đức Phúc, Lê Hiếu, Kiều Anh lại phù hợp với giới trẻ hiện nay. Nếu “Độc ẩm,” “Mây bay cuối trời” dành cho những ai mê thích dòng nhạc indie với sự pha trộn âm thanh điện tử -thô mộc thì những ca khúc còn lại (với ca từ, giai điệu dễ cảm, dễ nghe) lại phù hợp với số đông người nghe.
Nếu người nghe yêu thích lối hát hiện đại thì “Đừng rời xa tôi” hay “Độc ẩm” là lựa chọn phù hợp. Khi muốn tìm về những tình ca kiểu cũ, “Ngày ấy ta gặp lại” hay “Tặng” là lựa chọn phù hợp … Dù “Trò chuyện” chỉ có sáu bài hát (một con số khá khiêm tốn) nhưng phù hợp với nhiều phong cách, đối tượng, thế hệ người nghe.
Sau khi được vinh danh Nghệ sỹ mới của năm (Giải Âm nhạc Cống hiến năm 2017 do Báo Thể thao và Văn hóa - TTXVN tổ chức), Hoàng Rob luôn tự nỗi lực đổi mới mình, mang đến làn gió mới cho nhạc Việt. Dám thay đổi, tiên phong khai phá những cách thức mới là sứ mệnh mà một nghệ sỹ thực thụ luôn cần thực hiện.
“Trò chuyện” tiếp tục khẳng định đối tượng khán giả mà Hoàng Rob muốn hướng tới là những người nghe trẻ (như trong dự án “Hừng đông” trước đó). Tuy nhiên, “tham vọng” của anh ngày càng lớn hơn và điều đó thể hiện rõ trong dự án “Trò chuyện.” Đó là sự dịch chuyển từ căn phòng nhỏ, từ dàn giao hưởng về chiếc máy hát, để phù hợp hơn với khán giả đại chúng.
Hoàng Rob miệt mài trên con đường trở thành một nghệ sỹ độc lập với dấu ấn riêng: bình dân hóa violin bằng những sản phẩm âm nhạc hướng tới đại chúng khán giả. Nói khác đi, anh chọn hòa tấu đương đại để không ngừng mở rộng đối tượng khán giả cho mình. Trong hành trình đã qua, Hoàng Rob luôn “đi bằng hai chân”: bên cạnh những MV, sản phẩm bắt tai, bắt mắt, Hoàng Rob cũng có những cái bắt tay đa dạng, táo bạo để tạo nên những dự án phòng thu, concert vionlin bài bản, kỳ công.
Một trong những kế hoạch, mong ước của anh trong tương lai là mời được Bond (một trong những nhóm tứ tấu đàn dây thành công nhất mọi thời đại) sang Việt Nam biểu diễn trong liveshow riêng (dự kiến diễn ra vào nửa đầu năm 2020)./.