Hoạt động của Toàn quyền David Johnston tại Hà Nội

Ngày 17/11, Toàn quyền Canada David Johnston đã đến thăm trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, ngày 17/11, Toàn quyền Canada David Johnston đã đến thăm trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và nói chuyện với đông đảo sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Toàn quyền Canada David Johnston nhấn mạnh Canada đang thực hiện chính sách tăng cường văn hóa, tri thức; thông qua giao lưu, hợp tác để phát triển các mối quan hệ tốt đẹp, hướng tới tương lai. Canada có mối quan hệ mật thiết với Việt Nam và mối quan hệ đó ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Trên đất nước Canada hiện có 250.000 người gốc Việt, họ đã và đang có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục. Trong Đoàn thăm Việt Nam lần này cũng có 2 thành viên gốc Việt xuất sắc, đã có thời gian dài cống hiến cho Canada. Điều đó nói lên rằng nền văn hóa của Canada rất đa dạng, không phân biệt với những người nhập cư. Canada cũng luôn tiếp cận và chắt lọc các nền văn hóa khác.

Ngài Toàn quyền cho biết đoàn đã đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một di tích lịch sử nổi tiếng, nơi ghi dấu truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Sinh viên Việt Nam sang Canada học tập ngày càng nhiều và ngược lại sinh viên Canada cũng sang Việt Nam học tập… Những hạn chế hay thành công của chúng ta đều xuất phát từ văn hóa, nên chúng ta phải biết lắng nghe lẫn nhau.

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bày tỏ mong muốn trên cơ sở hợp tác giữa hai quốc gia, thời gian tới trường sẽ nhận được sự hợp tác, giúp đỡ từ phía Canada trong việc phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, nghiên cứu.

Với chủ đề đa dạng văn hóa, các học giả nổi tiếng của Việt Nam và Canada đã giao lưu, trao đổi cùng sinh viên Hà Nội, chia sẻ những suy nghĩ, những trải nghiệm trong quá trình nghiên cứu, công hiến trên lĩnh vực văn hóa. Mỗi người đều có những trải nghiệm riêng, nhưng nhất quán cho rằng: Bản chất của văn hóa là sự giao lưu; sức sống của văn hóa là sự lan tỏa.

Giáo sư Lương Văn Hy, Đại học Toronto (Canada) cho rằng không nên quan niệm ở nơi này hay nơi kia văn hóa thấp hay cao, hiện đại hay lạc hậu, mà chúng ta phải tăng cường bảo vệ nền văn hóa vốn có, đồng thời chắt lọc, học hỏi các nền văn hóa khác nữa, nếu mở rộng ra thì con người mới hiểu biết nhiều hơn. Ông cho biết ở Canada đã ban hành đạo luật về đa dạng văn hóa, đảm bảo quyền dân chủ, bình đẳng giữa các dân tộc, những người du nhập, không phân biệt kỳ thị tiếng nói, màu da hay văn hóa.

Học giả, Nhà văn Kim Thúy, người Canada gốc Việt, đưa ra các khái niệm khá phong phú và mới mẻ là “Đa văn hóa và liên văn hóa.” Mỗi nơi đều giữ bản sắc riêng, nhưng người dân phải du nhập văn hóa nơi mình sinh sống, phải hòa nhập gọi là liên văn hóa.

Còn theo ông Kunal Gupta, Giám đốc điều hành hãng Polar Mobile (Canada), văn hóa cũng giống như người tham gia giao thông hoặc tham gia giải bóng đá. Mỗi một người, mỗi quốc gia đều ở nền văn hóa khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, nhưng khi tham gia vào những lĩnh vực trên đều phải tuân thủ quy định. Chúng ta phải thích ứng để có được các giá trị mà chúng ta đang hưởng.

Các học giả cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của sinh viên về đa dạng văn hóa và việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...

Cùng ngày, Toàn quyền Canada David Johnston và các thành viên trong đoàn đã đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ; thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám; thăm cơ sở sản xuất rau sạch an toàn tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội./.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục