Hoạt động sát nhập và thâu tóm đang tái bùng nổ

Tháng 8 này, giá trị các vụ mua bán, sát nhập đạt khoảng 175 tỷ USD, mức kỷ lục trong gần 2 năm qua kể từ sau khủng hoảng tài chính.
Hoạt động sát nhập và thâu tóm (M&A) hiện đang bùng nổ trở lại sau mùa Hè ảm đạm, khi các công ty lớn, với lượng tiền mặt dồi dào nhờ cắt giảm chi phí trong thời kỳ khủng hoảng, muốn tìm kiếm các cơ hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Trong tháng Tám này, giá trị các vụ M&A đạt khoảng 175 tỷ USD (khoảng 140 tỷ euro), mức kỷ lục kể từ tháng 12/2008, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu ảnh hưởng lớn đến hoạt động này.

Mặc dù vẫn còn kém xa mức kỷ lục 4.200 tỷ USD trong năm 2007, song các vụ M&A trong nhiều lĩnh vực, từ năng lượng, khai mỏ, tài chính, giao thông đến công nghệ, đã cho thấy sự phục hồi đáng kể trong lĩnh vực này.

Tập đoàn khai mỏ lớn nhất thế giới BHP Billiton của Anh-Australia đã ra giá 38,5 tỷ USD để thâu tóm nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới Potash Corp của Canada. Trong khi đó, Tập đoàn năng lượng GDF Suez của Pháp đã sáp nhập với đối thủ International Power của Anh theo một thỏa thuận có trị giá ước tính 25,8 tỷ USD.

Trong khi đó, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn chưa sáng sủa, khi các nhà kinh tế nhận định về khả năng suy thoái kép ở Mỹ, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại và các biện pháp khắc khổ đang đe dọa đà phục hồi của châu Âu.

Chuyên gia về lĩnh vực M&A ở hãng luật Jeantet tại Paris, Yvon Dreano, nhận định nhiều công ty đã lường trước được những lo ngại này, song vẫn tin tưởng vào triển vọng của một số lĩnh vực nhất định.

Chiến lược gia Jean-Louis Mourier thuộc hãng luật Aurel ở Pari, cho rằng động lực chính cho hoạt động M&A vào lúc này là nhiều công ty có lượng tiền mặt dồi dào muốn sử dụng số tiền này vào việc thâu tóm các công ty khác để đa dạng hóa hoạt động hoặc sáp nhập để củng cố lĩnh vực có triển vọng tăng trưởng yếu.

Hiện 1.000 công ty đã niêm yết cổ phiếu hàng đầu trên thế giới đang nắm giữ gần 2.100 tỷ USD tiền mặt.

Ngoài ra, việc giá cổ phiếu sụt giảm trong cuộc khủng hoảng cũng tạo ra cơ hội cho hoạt động M&A. Nhà phân tích Philippe Rosenpick tại hãng luật CMS Bureau Francis Lefebvre cho rằng đây là thời điểm thích hợp cho việc thâu tóm hơn so với năm 2011.

Bên cạnh đó, việc các ngân hàng cho các công ty, đặc biệt là các công ty lớn, vay với lãi suất thấp cũng tạo lực đẩy đối với hoạt động M&A./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục