Hội chợ Hannover 2021 mang đến những sáng tạo đột phá thời 4.0

Các nhà triển lãm và những người đi đầu trong ngành công nghiệp giới thiệu những công nghệ và ý tưởng đột phá cho các nhà máy, hệ thống năng lượng và chuỗi cung ứng tương lai.
Hội chợ Hannover 2021 diễn ra theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Deutsche Messe)

Ngày 12/4, Hội chợ công nghiệp Hannover 2021 - hội chợ được đánh giá quan trọng và lớn nhất thế giới - đã khai mạc tại thành phố Hannover thuộc bang Niedersachsen của Đức. Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục hoành hành, hội chợ năm nay được tổ chức hoàn toàn theo hình thức trực tuyến, với Indonesia là đối tác chính tham dự hội chợ.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, chủ đề hội chợ năm nay là "Chuyển đổi công nghiệp", trong đó các nhà triển lãm và những người đi đầu trong ngành công nghiệp giới thiệu những công nghệ và ý tưởng đột phá cho các nhà máy, hệ thống năng lượng và chuỗi cung ứng tương lai.

Tại hội chợ, những thành tựu đặc biệt trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng và nhiều công nghệ mới sẽ được giới thiệu như các công nghệ giúp bảo vệ khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, trong chương trình hội chợ còn có các buổi thảo luận về chính sách kinh tế cũng như các bài thuyết trình của các chuyên gia theo hình thức trực tuyến.

Phát biểu trực tuyến trong ngày khai mạc hội chợ, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định vai trò to lớn của hợp tác đa phương, nhất là trong bối cảnh cả thế giới đang phải chống chọi với đại dịch như hiện nay. Bà Merkel nhấn mạnh: “Các chuỗi cung ứng quốc tế đặc biệt dễ bị tổn thương khi không có đủ nhà cung cấp thay thế cho các sản phẩm quan trọng. Khi đó, ngay cả những gián đoạn nhỏ trong mạng lưới sản xuất toàn cầu cũng có thể gây ra thiệt hại lớn."

Theo Thủ tướng Merkel, giới chức Đức và châu Âu đã rút ra hai kết luận quan trọng, đó là hai bên cần đa dạng hóa quan hệ thương mại và tăng cường hợp tác đa phương, mặt khác cũng cần có chiến lược củng cố sự độc lập của mỗi bên.

[Ngành công nghiệp của Đức và Pháp “chật vật” trước dịch COVID-19]

Nhà lãnh đạo Đức cũng cho rằng thị trường mở và sự cạnh tranh lành mạnh là hết sức quan trọng đối với nền kinh tế thế giới. Bà Merkel nêu rõ: "Chúng ta cần thị trường mở và sự cạnh tranh lành mạnh. Nói cách khác, cần phải chống lại sự hình thành độc quyền và lạm dụng quyền lực thị trường."

Trong khi đó, phát biểu tại hội chợ, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) Siegfried Russwurm cho biết sản lượng công nghiệp của Đức trong năm nay dự kiến sẽ tăng 8% so với năm trước. Đây là tín hiệu tích cực của nền kinh tế Đức trong bối cảnh quốc gia đầu tàu châu Âu vẫn đang phải đối mặt với sự lây lan mạnh mẽ của đại dịch COVID-19.

Cũng theo dự báo của BDI, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong năm 2021 sẽ tăng trưởng 3%. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng này, điều kiện tiên quyết là đại dịch phải sớm được kiềm chế, phần lớn các biện pháp phong tỏa phải được dỡ bỏ trong những tháng tới và ngành sản xuất không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các quy định về phòng chống đại dịch.

Hội chợ Hannover năm nay diễn ra từ ngày 12-16/4. Theo ban tổ chức, trên 1.800 đơn vị tham gia sẽ giới thiệu khoảng 7.000 sản phẩm cùng gần 400 dự án nghiên cứu và phát triển. Trọng tâm sẽ là trí tuệ nhân tạo, robot, công nghiệp 4.0, các sản phẩm hạn chế phát thải CO2 và công nghệ xe điện. Hình thức trực tuyến sẽ giúp kết nối mọi khách tham quan và với doanh nghiệp tham gia hội chợ.

Ban tổ chức kỳ vọng hội chợ sẽ thu hút được khoẳng 100.000 lượt khách thăm quan dù được tổ chức với hình thức trực tuyến. Hội chợ Hannover được tổ chức hằng năm nhưng năm ngoái đã bị hủy do đại dịch COVID-19, lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm tổ chức sự kiện này. Tại hội chợ gần đây nhất năm 2019 có khoảng 6.500 doanh nghiệp tham dự.

Ngành công nghiệp hội chợ là một trong số ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Theo Hiệp hội Kinh tế Hội chợ Đức AUMA, trong số 360 triển lãm theo kế hoạch được tổ chức trong năm ngoái thì có tới trên 70% số triển lãm bị hủy. Thông thường, ngành công nghiệp hội chợ thu về mỗi năm khoảng 4 tỷ euro, song trong năm 2020 chỉ có thể mang lại 1 tỷ euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục