Chiều 19/11, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng các nước Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được những đột phá quan trọng liên quan kế hoạch quốc phòng châu Âu.
Kết quả cuộc gặp được xem là bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy các dự án của các nhà lãnh đạo EU.
Các Bộ trưởng thống nhất rằng cơ cấu sở chỉ huy quân sự quy mô nhỏ, còn gọi là năng lực lập kế hoạch và tiến hành các chiến dịch quân sự, sẽ được tăng cường từ nay đến năm 2020 cả về nhân sự và chức năng.
Cụ thể, châu Âu có thể tiến hành những chiến dịch quân sự (dưới sự ủy nhiệm của Liên hợp quốc hoặc ủy nhiệm của EU) với quy mô khiêm tốn (2.500 người).
Về các nhiệm vụ trong Chính sách an ninh và quốc phòng dân sự, 28 nước EU cùng nhất trí tăng cường nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát, tư pháp, hải quan và nhà nước pháp quyền, vốn sẽ phải mất nhiều thời gian để triển khai nhưng lại đang thiếu nhân viên trầm trọng, và do vậy rất khó để tiến hành hiệu quả.
Trong bối cảnh này, Hội đồng các Bộ trưởng EU đã cam kết triển khai các nhiệm vụ với tối đa 200 người trong thời gian dài nhất là 30 ngày tính từ khi quyết định được đưa ra.
Cũng tại cuộc họp này, các Bộ trưởng đã thông qua đề xuất về Quỹ quốc phòng châu Âu được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất trong khuôn khổ khung tài chính dài hạn (MFF) giai đoạn 2021-2027.
Kế hoạch này có mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu và nâng cao năng lực đổi mới nền công nghiệp cũng như công nghệ quốc phòng của khối.
Ngày 13/6 vừa qua, EC đã đệ trình đề xuất nội dung quy định về thành lập Quỹ quốc phòng châu Âu trong khuôn khổ MFF kế tiếp cùng gói kinh phí khoảng 13 tỷ euro.
[Giới chức EU hối thúc các nước thành viên "có trách nhiệm hơn"]
Quỹ Quốc phòng châu Âu khuyến khích tính sáng tạo và cho phép triển khai công tác nghiên cứu trên quy mô lớn và phát triển công nghiệp quốc phòng bằng cách hỗ trợ các dự án hợp tác.
Các Bộ trưởng đã nhất trí phê duyệt các đề xuất của Ủy ban, đặc biệt khẳng định các mục tiêu toàn diện cũng như cơ cấu tổng thể của Quỹ, bao gồm cả việc đầu tư vào các công nghệ đột phá.
Các nhà lãnh đạo cũng đã thông qua danh sách cập nhật các dự án được thực hiện theo Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO).
Danh sách này bao gồm 17 dự án mới, ngoài 17 dự án ban đầu được phê duyệt vào ngày 11/12/ 2017. Các dự án liên quan liên quan tới một loạt lĩnh vực như đào tạo, xây dựng năng lực và khả năng sẵn sàng tác chiến trên đất liền, trên biển, trên không cũng như trong không gian mạng./.