Chống khủng bố sinh học, quản lý nguy cơ sinh học, đáp ứng với những tình huống khẩn cấp về an toàn và an ninh sinh học là những nội dung chính của Hội nghị An toàn sinh học châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 12 do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phối hợp với Hội An toàn sinh học châu Á-Thái Bình Dương (A-PBA) tổ chức.
Hội nghị khai mạc ngày 24/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, an toàn sinh học là các biện pháp bảo vệ người làm xét nghiệm, cộng đồng, môi trường khỏi các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm sinh học, cũng như bảo vệ các mẫu bệnh phẩm, các tác nhân gây bệnh nguy hiểm khỏi bị đánh cắp, lạm dụng và phóng thích có chủ ý với mục đích xấu.
Các hội nghị lần trước đã tập trung nhiều vào phòng chống bệnh truyền nhiễm và các vấn đề liên quan, năm nay được tổ chức tại Việt Nam hội nghị có chủ đề “An ninh sinh học và an toàn sinh học - Những thách thức mới về đe dọa sinh học trong thế giới thay đổi nhanh về khoa học và công nghệ.”
Đây là hội nghị quan trọng nhằm góp phần nâng cao kiến thức thực hành quản lý an toàn, an ninh sinh học cho các cán bộ và các nhà quản lý của Việt Nam.
Tiến sỹ Chua Teck Mean, Chủ tịch Hội An toàn sinh học châu Á-Thái Bình Dương cho biết, trong thập niên vừa qua đã có nhiều tiến bộ về kiến thức, thực hành và trang thiết bị an toàn sinh học để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người làm việc trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm và bảo vệ cộng đồng.
[Maroc phá tan âm mưu khủng bố bằng vũ khí hủy hoại hệ thần kinh]
Tuy nhiên, những mối đe dọa có thể xảy ra khi sử dụng vật liệu sinh học với mục đích xấu chưa được chú ý nhiều. Những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ sinh học và sự dễ dàng thu thập kiến thức khoa học từ lĩnh vực mở đã trở thành con dao hai lưỡi đối với khoa học và loài người.
Đồng tình với nhận định này, ông Deninis Adriao, Đơn vị chống khủng bố, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) cho biết, khủng bố sinh học là loại khủng bố nguy hiểm và khó phát hiện nhất hiện nay.
Điều nguy hiểm của loại hình khủng bố này là tội phạm có thể tìm thấy trên mạng Internet các hướng dẫn và từ đó bắt chước tạo ra vũ khí sinh học để gây hại.
Ông Deninis Adriao dẫn chứng về một số vụ khủng bố sinh học như thả chuột nhiễm độc ở Maroc, phát tán chất độc trong nguồn nước của nhà máy nước ở Slovakia…
Bên cạnh chống khủng bố sinh học thì quản lý nguy cơ sinh học, đáp ứng với những tình huống khẩn cấp về an toàn và an ninh sinh học, cập nhật hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới về an toàn sinh học trong phòng thí nghiệm là những nội dung mà 180 đại biểu từ 13 quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…và các tổ chức như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), Viện Nghiên cứu Tư pháp và tội phạm liên khu vực Liên Hiệp Quốc (UNICRI) sẽ bàn thảo trong 2 ngày diễn ra hội nghị từ ngày 24 đến ngày 25/8.
Hội nghị An toàn sinh học châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức hàng năm với sự tham gia của nhiều nhà khoa học quốc tế, khu vực có uy tín nhằm tạo ra một diễn đàn để trao đổi, cập nhật thông tin về an toàn và an ninh sinh học trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới./.