Chiều 26/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 đã thảo luận một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Đường bộ.
Các đại biểu tập trung cho ý kiến một số vấn đề lớn như: Tính thống nhất của hệ thống pháp luật; hệ thống giao thông thông minh; quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ; các quy định về việc giao cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đầu tư, xây dựng quốc lộ và đường cao tốc; các quy định về phân cấp cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường bộ thuộc hệ thống quốc lộ; các quy định về đầu tư, xây dựng phát triển đường cao tốc; phí sử dụng đường cao tốc.
Theo Báo cáo một số nội dung lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình.
Về quy định giao Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng quốc lộ, đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ và quản lý, vận hành khai thác, bảo trì quốc lộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh chỉnh lý quy định về trường hợp phân cấp cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đầu tư xây dựng quốc lộ nhưng phải phù hợp quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan. Như vậy, trong thời gian tới, nếu Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước được sửa đổi, bổ sung cho phép phân cấp đầu tư xây dựng quốc lộ cho cấp tỉnh thì sẽ thực hiện quy định này.
Đối với hoạt động quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì quốc lộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh đề nghị quy định theo hướng điều chuyển đoạn tuyến quốc lộ cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trước ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện theo quy mô quy hoạch” khi đầu tư xây dựng, phát triển đường cao tốc, Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh nhất trí với quy định của dự thảo Luật Chính phủ trình, nhưng chỉnh sửa quy định này tại dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý để thể hiện rõ hơn theo hướng “công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện theo quy mô làn xe quy hoạch mạng lưới đường bộ.”
Về quy định thu phí sử dụng đường cao tốc trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác, Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh cho rằng, quy định bảo đảm sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng dịch vụ được hưởng của người sử dụng, căn cứ trên nguyên tắc người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến song hành, nếu sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn thì phải trả chi phí cao hơn.
Theo Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh, quy định này là phù hợp, không dẫn đến phí chồng phí, do đó đề nghị cho giữ quy định này (có chỉnh sửa cho chặt chẽ về nội dung và kỹ thuật lập pháp) và quy định sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Phí và lệ phí tại dự thảo Luật Đường bộ.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng, việc chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn đường cao tốc, tạo ra nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường cao tốc. Đại biểu đề nghị luật hóa các nguyên tắc bắt buộc trong Luật, sau đó Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải mới ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể.
Đại biểu đề nghị cần có 6 điểm quy định trong Luật, gồm: Bắt buộc phải có dải phân cách cứng; phải có làn khẩn cấp; phải có điểm dừng đỗ; tốc độ các phương tiện di chuyển phải cao nhất trong các cấp kỹ thuật; khổ làn không thấp hơn 3,75m; quy định số làn cụ thể.
Một vấn đề bất cập hiện nay là trên nhiều tuyến cao tốc hiện đã khai thác nhưng không có trạm dừng nghỉ. Đây cũng là nguyên nhân xảy ra một số vụ tai nạn giao thông.
Từ đó, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến, trạm dừng chân phải thi công cùng một lúc với thi công dự án đường cao tốc.
Từ những vụ tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc 2 làn xe thời gian qua, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) đề nghị sắp xếp lại làn đường/khu vực dừng khẩn cấp để tạo thành 3 làn đường tại các tuyến này.
Thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần tính toán việc giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng quốc lộ, đường cao tốc theo quy mô làn xe./.
Dự thảo Luật Đường bộ: Cần rà soát để tránh chồng chéo, khó áp dụng
Thảo luận về dự thảo Luật Đường bộ, các đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật còn nhiều điểm chồng chéo với Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ.