Ngày 11/10, tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đã chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại diện cơ quan lập quy hoạch vùng, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, các chuyên gia và nhà khoa học cùng dự.
Hội nghị diễn ra với chủ đề Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là bước cụ thể hóa Quy hoạch Tổng thể Quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành, quốc gia về tổ chức không gian phát triển; giúp “mở đường” tạo ra các động lực, tiềm năng, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngay từ những ngày đầu tổ chức lập Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng để triển khai lập quy hoạch vùng.
Hiện nay, có 86/110 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được thẩm định; trong đó có 16 quy hoạch ngành, quốc gia và 5/14 quy hoạch tỉnh thuộc vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
[Phát triển nhanh, bền vững Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ]
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Vùng có chiều dài bờ biển gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước.
Trong giai đoạn vừa qua, toàn vùng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2005-2020 bình quân 7,3%/năm, cao hơn tốc độ tăng cả nước (6,36%/năm).
Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 đạt 1.157 nghìn tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo. Một số ngành kinh tế cơ bản, nhất là các ngành kinh tế biển, các ngành có giá trị gia tăng cao được hình thành và phát triển. Du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Với những tiềm năng, lợi thế của vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra những nhận diện, đề xuất có tính mới, đột phá cho Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung như Tầm nhìn đến năm 2050, phát triển theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị là vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng trọng yếu, đặc biệt là giao thông và logistics, năng lượng, hạ tầng thông tin, chuyển đổi số, giáo dục, đào tạo, y tế, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển không gian kinh tế ven biển có trọng tâm, trọng điểm; thu hút, kết nối mọi nguồn lực đầu tư, mọi thành phần kinh tế để đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường hợp tác và liên kết các tỉnh để phát triển kinh tế-xã hội. Phát triển hệ thống đô thị, đặc biệt là dải đô thị ven biển, gắn kết chặt chẽ với phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp; đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế-văn hóa-xã hội-môi trường, tạo chuyển biến về chất lượng trong giáo dục và đào tạo.
Đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển vùng.
Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xin tham vấn, lấy ý kiến của các thành viên, ủy viên của Hội đồng điều phối vùng, các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học đối với dự thảo Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là một bước chuyển đổi từ chủ trương, chính sách đến gần với thực tiễn để phát triển vùng. Vì vậy cần làm rõ các vấn đề về quy hoạch; các địa phương trong vùng bàn bạc, xác định các tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, xã hội, di sản văn hóa, tạo ra sự phát triển lan tỏa cho cả vùng.
Trong quy hoạch cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để quy hoạch lần lượt, ví dụ như ưu tiên các dự án có tính động lực của vùng, tạo ra sự lan tỏa và kết nối. Trong số đó, ưu tiên những dự án có tính động lực của vùng, thay vì lâu nay chúng ta phát triển các dự án kinh tế-xã hội riêng lẻ của mỗi địa phương; ưu tiên các dự án liên địa phương thuộc các tiểu vùng hoặc cả vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Để thực hiện tốt quy hoạch, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương cần tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn và đồng thuận để Chính phủ sớm đưa ra những quyết định chiến lược nhằm đất nước phát triển./.