Hội nghị P4G: Nông nghiệp trong kỷ nguyên khủng hoảng khí hậu

Các bài phát biểu nhấn mạnh sự cần thiết của mối quan hệ đối tác công tư và hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi xanh.
Hội nghị P4G: Nông nghiệp trong kỷ nguyên khủng hoảng khí hậu ảnh 1Nông dân làm việc trên cánh đồng ở Banda Aceh, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), chiều 31/5, Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Nông thôn Hàn Quốc (MAFRA) đã tổ chức phiên họp chuyên đề về nông nghiệp và thực phẩm với sự tham gia của nhiều chuyên gia các tổ chức, xã hội dân sự và các công ty tư nhân.

Các đại biểu tham dự đã chia sẻ những ý kiến sâu sắc về các cách thức hỗ trợ nông dân ở các nước đang phát triển thiết lập "Hệ thống thực phẩm ứng phó với biến đổi khí hậu” và "Quan hệ đối tác sử dụng công nghệ tiên tiến để đạt được mục tiêu giảm khí thải xuống bằng 0 trong lĩnh vực nông nghiệp.”

Các kết quả thảo luận chính dự kiến sẽ được đưa ra các hội nghị quốc tế liên quan đến thực phẩm và nông nghiệp, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của Liên hợp quốc vào tháng 9 năm nay.

[Thượng đỉnh P4G: Phát triển thành phố thông minh giúp giảm khí thải]

Phiên họp được mở đầu với các bài phát biểu quan trọng của Tổng Giám đốc Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) và Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của Liên hợp quốc, Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Thủy sản Đan Mạch và Bộ trưởng Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc.

Các bài phát biểu nhấn mạnh sự cần thiết của mối quan hệ đối tác công tư và hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi xanh (sản xuất đi liền với bảo vệ môi trường) trong ngành lương thực.

Trong phiên họp, một số đại biểu đã giới thiệu các phương pháp trồng trọt giúp nông dân thu lợi nhuận trong khi phải ứng phó với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển và mô hình kinh tế tiết kiệm tiền từ nguồn lương thực bị thất thoát và lãng phí, đồng thời thảo luận về các giải pháp sáng tạo để thu hút đầu tư thay đổi các hệ thống cung cấp lương thực.

Đáng chú ý có dự án nông lâm kết hợp vì con người, hòa bình và thịnh vượng ở Ethiopia do các doanh nghiệp Hàn Quốc và một công ty cà phê toàn cầu phối hợp thực hiện và dự án của công ty Nestle và Hội đồng Hàng tiêu dùng Nam Phi (CGCSA) thực hiện nhằm giảm lượng lương thực thất thoát và lãng phí.

Các đại biểu cũng chia sẻ các mô hình hợp tác công-tư và con đường tiến tới hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như đạt được mục tiêu trung hòa cacbon và an ninh lương thực.

Trong khi sản xuất lương thực tạo ra 1/4 tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu thì gần 1/3 lượng lương thực được sản xuất trên toàn cầu lại bị thất thoát hoặc lãng phí, khiến 1 tỷ người dân bị đói.

Bà Birgitte Qvist-Sorensen, Tổng Thư ký tổ chức DanChurchAid, nhấn mạnh sự cần thiết về một cách tiếp cận toàn diện để giải quyết các vấn đề liên quan đến đảm bảo đủ lương thực, dinh dưỡng, sinh kế, môi trường, nhân quyền, quyền hưởng-sử dụng, tài chính cũng như tầm quan trọng của quan hệ đối tác nhiều bên.

Về phần mình, bà Catherine Bertini, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên minh toàn cầu Cải thiện Dinh dưỡng (GAIN), đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét lại các vấn đề xung quanh toàn bộ chuỗi giá trị, bao gồm sản xuất, chế biến và phân phối để phát triển hệ thống cung cấp lương thực ở địa phương.

Bà Bertini nói thêm rằng các ngân hàng lương thực có thể giúp những người dễ bị tổn thương và giảm thất thoát và lãng phí lương thực.

Ông Bruce Campbell, Giám đốc tổ chức nghiên cứu nông nghiệp quốc tế CGIAR, lưu ý để hỗ trợ các nước đang phát triển đạt được mục tiêu trung hòa carbon, việc khuyến khích nông dân cũng quan trọng như việc cung cấp các công nghệ, như làm ướt hay làm khô, năng lượng mặt trời và nhiều loại giống khác nhau.

Ông Campbell cũng cho rằng thâm canh bền vững là chìa khóa để thực hiện mục tiêu phát thải ít carbon trong sản xuất nông nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục