Từ ngày 9-15/10, thành phố Marrakech, Maroc, trở thành địa điểm nhóm họp của các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng trung ương và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực từ các nước thành viên Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Nhân sự kiện Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đồng tổ chức Hội nghị thường niên tại châu Phi lần đầu tiên sau 50 năm, phóng viên đã có dịp trao đổi với chuyên gia khách mời tham dự Hội nghị, ông Vũ Đỗ Khanh, Giám đốc đơn vị thực nghiệm chính sách The Policy Lab, Thạc sỹ Chính sách Công Đại học Oxford.
- Thưa ông, vì sao Hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế năm nay được xem là có ý nghĩa đặc biệt?
Ông Vũ Đỗ Khanh: Theo tôi, có hai nguyên nhân khiến hội nghị năm nay được cộng đồng kinh tế và chính sách quan tâm hơn so với những năm trước. Nguyên nhân đầu tiên là thời điểm.
Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch và đang chịu tác động bởi hai cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine và khu vực Trung Đông.
Việc nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu và khôi phục mức tăng trưởng kinh tế như trước đại dịch đang đặt nặng trách nhiệm lên những nhà cầm quyền tại các nước thành viên World Bank và IMF.
Những động thái thông qua các cam kết của họ trong hội nghị có khả năng trực tiếp ảnh hưởng đến quyết sách của các ngân hàng trung ương và thị trường tài chính nhiều quốc gia trong thời điểm biến động này.
Ngoài ra việc hội nghị quay trở lại một nước châu Phi sau năm thập kỷ vắng bóng cũng cho thấy cam kết không ngừng nghỉ của World Bank và IMF tại khu vực này.
Nguyên nhân thứ hai là chủ đề chính của hội nghị "Global Action, Global Impact" (tạm dịch: hành động toàn cầu, tác động toàn cầu). Hội nghị năm nay nhấn mạnh vào "hành động," "tác động" và "toàn cầu."
Các phiên thảo luận tập trung nhiều vào việc đưa ra đối sách cho các ngân hàng trung ương và khuyến khích các nền kinh tế thực thi nhiều chính sách cứng rắn hơn để giải quyết các vấn đề chung trong từng khu vực và rộng hơn là trên thế giới.
- Ông Pierre-Olivier Gourinchas, Nhà Kinh tế Trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cảnh báo trong trong phiên thảo luận ngày thứ ba (10/10) rằng nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn "khập khiễng" (limping). Ông có nhận xét gì về quan điểm của ông Gourinchas?
Ông Vũ Đỗ Khanh: Phát ngôn của ông Gourinchas được đưa ra trong một phiên trả lời câu hỏi của báo chí. Vì thế tôi nghĩ rằng ông dùng từ "limping" để tạo một thông điệp giúp công chúng dễ hình dung về nền kinh tế toàn cầu trong năm tới.
Giải thích thêm lập luận của ông Gourinchas thì ông khuyến cáo các ngân hàng trung ương nên xem xét tập trung vào những biện pháp phòng tránh lạm phát trong thời gian này.
Tôi đã đọc các phân tích của IMF và kịch bản nhóm ông Gourinchas đề ra là lạm phát sẽ giảm chỉ khi các ngân hàng trung ương duy trì lập trường thắt chặt và tránh nới lỏng sớm.
Một khi quá trình giảm phát được thiết lập, với kỳ vọng lạm phát ngắn hạn và mục tiêu lạm phát giảm dần, việc nới lỏng các chính sách sẽ phù hợp và ổn định được giá sinh hoạt tại các quốc gia.
[World Bank tổ chức hội nghị thường niên ở châu Phi sau 50 năm]
Tuy nhiên, một số khuyến nghị do nhóm ông đề ra có vẻ được xây dựng trên cơ sở các nước phương Tây như Mỹ nên sẽ không quá phù hợp để áp dụng tại Việt Nam. Đơn cử như việc ông cho rằng chính sách tài khóa của các quốc gia thành viên cần xây dựng lại vùng đệm bằng việc loại bỏ trợ cấp năng lượng.
- Với xung đột mới đây tại Israel, ông có thể cho biết quan điểm các chuyên gia trong hội nghị về vấn đề này?
Ông Vũ Đỗ Khanh: Xung đột Israel-Hamas là một trong những điểm nóng được thảo luận, dù không phải là chủ đề được chuẩn bị trước trong chương trình.
Tôi xin trích phát biểu tại hội nghị của ông Ajay Banga, Tổng Giám Đốc Ngân hàng Thế giới, "It's a humanitarian tragedy and it's an economic shock we don't need" (tạm dịch: Đó là một thảm kịch nhân đạo và là một cú sốc kinh tế mà chúng ta không cần).
Khi trao đổi với các đồng nghiệp tại World Bank và IMF thì chúng tôi đều cho rằng cuộc chiến này trước mắt chưa gây tác động đáng kể đến nền kinh tế ngoài khu vực, nhưng những tác động tương lai sẽ khó dự tính được nếu xung đột tiếp tục leo thang.
Hiện tại, tác động trực quan dễ thấy được là giá dầu thô thế giới tăng 4% do khu vực này tập trung nhiều nước sản xuất dầu thô.
- Cũng trong hội nghị, dự báo mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 sẽ giảm xuống 2,9%, thấp hơn cùng kỳ năm nay và 2022. Ông có thể chia sẻ quan điểm về dự báo này và những tác động nếu có đến Việt Nam?
Ông Vũ Đỗ Khanh: IMF tổng hợp nhiều yếu tố để đưa ra dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2,9% trong năm 2024, thấp hơn 0,1% so với mức tăng trưởng dự tính năm nay là 3%.
Tuy nhiên vì là số liệu tổng hợp dùng cho toàn thế giới nên sẽ không phản ánh chính xác từng khu vực.
Để có một dự đoán chính xác phục vụ việc xây dựng khung chính sách thì các nhà hoạch định cần phải nghiên cứu tình hình từng khu vực kết hợp với các yếu tố ảnh hưởng liên khu vực.
Ví dụ khủng hoảng ở Ukraine gây gián đoạn hoạt động thương mại khí đốt và lương thực không chỉ ở châu Âu.
Dự báo của IMF cũng chỉ mang tính chất kịch bản và sẽ thay đổi tùy theo các diễn biến ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới.
Đối với Việt Nam thì dự báo tăng trưởng của IMF vẫn rất cao so với các nước trong năm 2024, ở mức 5,8%. Điều này có thể hiểu được vì kinh tế nước ta có nhiều đặc thù riêng mà ngay cả các nước trong khu vực cũng chưa có được, như quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và một loạt hiệp định thương mại tự do với nhiều nước/.