Hội nghị Trung ương 7: Nhân dân kỳ vọng vào những chính sách mới

Cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố Đà Nẵng tin tưởng các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 7 khóa XII sẽ bàn thảo và có các quyết sách đột phá.
Hội nghị Trung ương 7: Nhân dân kỳ vọng vào những chính sách mới ảnh 1Toàn cảnh phiên thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đang diễn ra với nhiều nội dung quan trọng như thảo luận các Đề án liên quan đến công tác cán bộ, cải cách chính sách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội. Đây là những vấn đề được cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố Đà Nẵng quan tâm; đồng thời tin tưởng các đại biểu dự hội nghị sẽ bàn thảo và có quyết sách đột phá.

Cần lựa chọn những cán bộ có phẩm chất, năng lực

Đảng viên Đặng Hữu Hào, cựu chiến binh quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho rằng công tác cán bộ là vấn đề lớn, quyết định đến sự thành, bại của các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, công tác này còn bộc lộ nhiều bất cập mặc dù quy trình lựa chọn cán bộ rất khoa học nhưng còn mang tính khép kín và thiếu minh bạch, dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Theo ông Hào, cán bộ giỏi là người trải qua thực tế, am hiểu lĩnh vực phụ trách và hoạt động tốt các phong trào, được cơ sở tín nhiệm, tin yêu. Để xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp có chất lượng, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, chỉ có công khai minh bạch hóa mọi vấn đề, mới giải quyết được tình trạng "chạy chức, chạy quyền". Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quan tâm đào tạo sớm, đào tạo trình độ cao ở trong và ngoài nước, đặc biệt chú trọng đến công tác luân chuyển cán bộ để giải quyết bài toán cục bộ địa phương, hạn chế được tình trạng "con ông, cháu cha".

Cải cách tiền lương giúp nâng cao hiệu quả công việc

Ông Đỗ Như Thuần - Chánh Văn phòng Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng cho biết vấn đề cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp được người dân rất quan tâm. Tuy nhiên, trước những khó khăn chung của đất nước và những bất cập khác nên hiện thu nhập từ lương chưa bảo đảm được cuộc sống của nhân dân. Thực tế cho thấy, nhiều công chức, viên chức do mức lương thấp, phải tìm mọi cách để cải thiện cuộc sống nên sự tâm huyết với công việc là chưa cao. Do đó, Đề án cải cách tiền lương thực sự cần thiết góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.

[Ý kiến người dân: Công tác cán bộ chưa thực thi "kỷ luật thép"]

Theo ông Thuần, cần tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm tăng quỹ lương, góp phần tạo động lực để các cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Cần hoàn thiện các chế tài xử lý các vi phạm trong việc đóng bảo hiểm xã hội

Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Thanh Khê (Đà Nẵng) Trần Đình Hải khẳng định thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đã có nhiều thành công, đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội và những người tham gia.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Hiệu quả công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội diện bắt buộc hiện nay chưa cao do các đơn vị, doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng, trục lợi bảo hiểm xã hội. Do đó, cần hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật các đơn vị, doanh nghiệp cố tình chây ỳ trong việc đóng bảo hiểm xã hội.

Ông Trần Đình Hải tin tưởng chính sách bảo hiểm xã hội sẽ được cải cách theo hướng từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại theo nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục