Nằm trong chuỗi sự kiện tiến tới kỷ niệm 200 năm ngày mất của Danh nhân văn hóa Thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du vào năm 2020, sáng 27/9, tại thành phố Hà Tĩnh, Hội Kiều học Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học “Nguyễn Du-Pushkin: Tương đồng và khác biệt."
Giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam; ông Võ Hồng Hải, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh và ông Bùi Xuân Thập, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh chủ trì hội thảo.
Đông đảo các nhà nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước tham dự hội thảo.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, giáo sư Phong Lê cho biết khi đưa Nguyễn Du ra thế giới, giới nghiên cứu phê bình nhận thấy có rất nhiều điểm tương đồng trong mối tương quan với lịch sử văn học mỗi dân tộc giữa Pushkin (Aleksandr Sergeyevich Pushkin) và Nguyễn Du.
Nguyễn Du (1766-1820) và Pushkin (1799-1837) cùng có xuất thân thế gia vọng tộc, cùng có một sự nghiệp vẻ vang với hai đỉnh cao là hai truyện thơ "Truyện Kiều" và "Evgheni Oneghin."
Cả hai cùng được xem là "Bách khoa thư đời sống," cùng có vị trí tương đồng trong lịch sử mỗi dân tộc, một bên là “Mặt Trời thi ca Nga," một bên là “Khúc Nam âm tuyệt xướng” là “Thiên thu tuyệt diệu từ."
Bên cạnh đó, còn có những tương đồng về các sự kiện lịch sử mà cả hai phải trải nghiệm: một người từ thời Lê mạt qua phong trào Tây Sơn đến triều Nguyễn; một người từ chiến thắng Nepoléon Bonaparte (1812) qua phong trào Tháng Chạp (1925) đến triều đại chuyên chế Nicolai đệ Nhất (1825-1855). Cả hai có thể xem như là người cùng thời, cùng nhận được sự tôn vinh, ngưỡng mộ của toàn nhân loại.
28 tham luận của các nhà nghiên cứu được trình bày tại hội thảo tập trung vào 5 nhóm nội dung chính: Nguyễn Du và Pushkin trong bối cảnh thời đại và hoàn cảnh dân tộc mình; Nguyễn Du và Pushkin viết về đất nước, quê hương, người dân nước mình; địa vị của hai kiệt tác "Truyện Kiều” (Nguyễn Du) và "Evgheni Oneghin" (Pushkin) đối với văn hóa, văn học Việt Nam và Nga; vai trò của Nguyễn Du và Pushkin đối với sự phát triển tiếng Việt và tiếng Nga qua sáng tác của mình; việc giới thiệu Nguyễn Du ở Nga, Pushkin ở Việt Nam và ảnh hưởng từ hai phía.
[Nghệ sỹ Việt-Pháp kết hợp đưa ‘Truyện Kiều’ lên sân khấu nhạc kịch]
Tiêu biểu như các tham luận: “Hai Đại thi hào của hai dân tộc, hai Đại thi hào của nhân loại” của dịch giả Hoàng Thúy Toàn; “Truyện Kiều từ góc nhìn thể loại so sánh Evgheni Oneghin của Pushkin” của phó giáo sư-tiến sỹ Đào Tuấn Ảnh (Viện Văn học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam); “Hai Đại thi hào - Hai phương trời mà đại đồng tiểu dị” của thạc sỹ Kim Quang Minh (Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tài nguyên-Môi trường); “Cảm thức thời gian trong sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Du và Pushkin” của phó giáo sư-tiến sỹ Lê Nguyên Cẩn (Đại học Sư phạm Hà Nội)...
Phát biểu tổng kết hội thảo, giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, nhấn mạnh qua các tham luận được trình bày, dễ dàng nhận thấy có những khác biệt ở các danh nhân là điều hiển nhiên nhưng khác biệt không làm khuất mờ những nét tương đồng trên nhiều khu vực và nhiều cấp độ.
Sự tương đồng về giá trị của hai kiệt tác "Truyện Kiều" và "Evgheni Oneghin" được tập trung trình bày trong nhiều tham luận của các chuyên gia. Các giá trị tương đồng khác ở văn xuôi, như người anh hùng Pugatsov trong tác phẩm "Người con gái viên đại úy" với Từ Hải trong "Truyện Kiều" cũng được đề cập.
Ngoài ra, câu chuyện “cảm quan phương Đông” và “diễn ngôn phương Đông” qua “hành trình đến Arzrum” của Pushkin cũng là vấn đề thú vị.
Giáo sư Phong Lê cũng cho rằng khi có điều kiện và nếu cần thiết, chúng ta sẽ mở rộng danh sách đối sánh Nguyễn Du với các tên tuổi khổng lồ khác trong lịch sử văn học nhân loại; chẳng hạn với Dante (1265-1321) qua tác phẩm "Divine Comédie" (Thần khúc), với Miguel de Cervantes Saavedra (1547-1616) qua "Don Quijote" hoặc với Victor Hugo (1802-1885) qua các tập thơ "Trừng phạt," "Mặc tưởng" và tiểu thuyết "Những người khốn khổ".../.