Hội thảo về thiền phái Tào Động Việt Nam và di tích Nhẫm Dương

Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu đánh giá một cách khoa học và khách quan về những giá trị lịch sử, văn hóa và Phật giáo của Khu di tích lịch sử văn hóa tại chùa Nhẫm Dương.
Hội thảo về thiền phái Tào Động Việt Nam và di tích Nhẫm Dương ảnh 1 Đoàn chủ tọa Hội thảo. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Hội thảo khoa học thiền phái Tào Động Việt Nam và quần thể di tích Nhẫm Dương-giá trị lịch sử, văn hóa và Phật giáo đã được tổ chức ngày 14/12, tại chùa Nhẫm Dương (Kinh Môn, Hải Dương) - một trong những chốn tổ của thiền phái Tào Động.

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm gần 350 năm thiền phái Tào Động có mặt ở Việt Nam và 311 năm ngày mất của Thiền sư Thủy Nguyệt - đệ nhất Tổ sư thiền phái Tào Động Việt Nam.

Hội thảo do Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, Ủy ban Nhân dân huyện Kinh Môn tổ chức.

Dự hội thảo có Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm - Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự, các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đông đảo tăng ni, Phật tử.

Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu trong và ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam hội tụ, đánh giá một cách khoa học và khách quan về những giá trị lịch sử, văn hóa và Phật giáo của Khu di tích lịch sử văn hóa tại chùa Nhẫm Dương, đóng góp của Thiền sư Thủy Nguyệt, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy tác dụng, giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Trong 4 phiên của hội thảo, các đại biểu đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử hình thành, quá trình phát triển của thiền phái Tào Động ở Việt Nam và lịch sử hình thành chùa Nhẫm Dương; giá trị lịch sử, văn hóa, Phật giáo, khảo cổ chùa Nhẫm Dương trong quần thể di tích Nhẫm Dương hiện nay và công tác bảo tồn phát huy giá trị.

Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ năm 1279-1400, dưới thời Trần, chùa Nhẫm Dương là cơ sở của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Từ năm 1667 (thời Hậu Lê) đến nay, đây là chốn Tổ tông Tào Động. Do chiến tranh, các thiền sư Tào Động đã về thành thị để hành đạo, chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc tự) là chốn tổ thứ hai, có sự truyền thừa rõ nét, liên tục từ Sư Tổ Thủy Nguyệt. Khu di tích chùa Nhẫm Dương được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa cấp Quốc gia năm 2003 và hiện đang được phục hồi.

Hội thảo về thiền phái Tào Động Việt Nam và di tích Nhẫm Dương ảnh 2Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phát biểu tại hội thảo. (Anh: Mạnh Minh/TTXVN)

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo cho biết Thiền phái Tào Động được truyền vào nước ta khoảng nửa sau thế kỷ XVII. Thiền sư Thủy Nguyệt là tổ sư thứ 36 của dòng Tào Động.

Năm 1667, Thiền sư từ Trung Quốc về Việt Nam hoằng dương tông Tào Động. Thiền sư đã đi nhiều nơi trong cả nước để thuyết pháp và khai nguyên chốn tổ Nhẫm Dương.

Chùa Nhẫm Dương được xây dựng từ thời Trần (1225-1400), có gần 30 hang động lớn nhỏ bao quanh tạo thành một cảnh Phật toàn bích.

Nổi bật nhất là tại động Thánh Hóa, nơi Sư Tổ Thủy Nguyệt viên tịch, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được rất nhiều di cốt hóa thạch cùng nhiều di vật khảo cổ thời đại đồ đá, thời đồng thau và các pho tượng Phật bằng đá có niên đại thời nhà Nguyễn. Đây còn là một địa chỉ đỏ gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, là nơi đóng quân của nhiều cơ quan đơn vị bộ đội, nơi chữa trị cho các thương binh.

Nhiều năm nghiên cứu khảo cổ khu động Thánh Hóa, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Lân Cường - Tổng Thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam cho hay nhiều răng hóa thạch Pongo tìm thấy ở Nhẫm Dương có niên đại cách đây từ 30.000-50.000 năm.

Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ phát hiện được một số địa điểm có hóa thạch của Pongo như Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng (Lạng Sơn), Hang Hùm (Yên Bái), Làng Tráng (Nghệ An). Phần lớn những địa điểm này nằm ở vùng rừng núi phía Tây và phía Bắc.

Nhẫm Dương là địa điểm đầu tiên tìm được Pongo ở vị trí khá gần biển. Những tư liệu quý này giúp các nhà khoa học tìm hiểu về một đại diện quan trọng của bộ linh trưởng ở Việt Nam.

Tuy có giá trị quan trọng về mặt lịch sử, văn hóa, Phật giáo và cũng là nơi có tiềm năng du lịch rất lớn với nhiều hang động đẹp nhưng trao đổi của Chủ tịch Hội Sử học Hải Dương Tăng Bá Hoành cho thấy phải “ba chìm, bảy nổi,” đấu tranh quyết liệt giữa lợi ích văn hóa và kinh tế, những di tích này mới còn một phần đến ngày nay.

Quần thể khu di tích Nhẫm Dương đã bị tàn phá nặng nề nhiều năm qua, nhiều hang động đẹp đã không còn dấu tích do việc nổ mìn phá đá của các doanh nghiệp để phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất ximăng trên địa bàn.

Xác định tầm quan trọng của khu di tích và hệ thống hang động, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã quyết định giữ lại toàn bộ khu vực núi Nhẫm Dương hiện nay để bảo vệ và đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khoanh vùng bổ sung toàn bộ khu vực núi Nhẫm Dương, trên cơ sở đó sẽ tiến hành lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng khu di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Song, ông Tăng Bá Hoành cho biết di tích vẫn luôn bị xâm phạm. Khi phát hiện các vi phạm này, cơ quan chức năng thiếu kiên quyết, giải quyết nửa vời, đôi khi hợp lý hóa cho những hành vi sai trái.

Mặc dù không còn được phá đá nhưng văn bản mới đây của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương với danh nghĩa là cho doanh nghiệp “dọn dẹp” khai trường, thực chất là tận thu số đá đã nghiền còn tồn với khối lượng khá lớn ở chân núi, đã dấy lên trong các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các chức sắc Phật giáo nỗi lo ngại di tích sẽ tiếp tục bị xâm phạm, thậm chí có thể bị xóa sổ.

Người dân địa phương cho biết không được cấp phép khai thác, các đối tượng tiếp tục khai thác chui.

Ông Lê Văn Bí, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân huyện Kinh Môn lại khẳng định không có chuyện đó.

Ủy ban Nhân dân huyện kiên quyết giữ lại toàn bộ khu di tích, đã yêu cầu doanh nghiệp dừng hoàn toàn việc khai thác đá, chỉ được phép thu số đá đã nghiền. Quan điểm của huyện là thực hiện đúng Luật Di sản văn hóa, từ năm 2008, Kinh Môn đã đưa quy hoạch khai thác chế biến vật liệu xây dựng ra khỏi vùng di tích, quyết tâm đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường rút giấy phép khai thác đá đối với Công ty ximăng Phúc Sơn, ông Lê Văn Bí nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục