Hơn 1.000 trường hợp kiểm tra côngtơ điện đều đạt yêu cầu

Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, hơn 1.000 côngtơ được đưa về các trung tâm kiểm tra đều đạt theo sai số cho phép, chỉ có 6 côngtơ không đạt và đã được thực hiện hoàn tiền, thu tiền.
Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiểm tra chì niêm phong côngtơ khách hàng sử dụng điện tại Công ty Điện lực Mê Linh, Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiểm tra chì niêm phong côngtơ khách hàng sử dụng điện tại Công ty Điện lực Mê Linh, Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Chia sẻ tại Tọa đàm Câu chuyện Chỉ số côngtơ và hóa đơn tiền điện tăng cao vào chiều nay, 14/7, do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức, ông Bùi Trung Dũng, Vụ Đo lường thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cho hay, thời gian qua, tham gia các đợt kiểm tra việc ghi chỉ số côngtơ và tính hóa đơn tiền điện, đoàn kiểm tra gồm rất nhiều đơn vị đã ghi nhận khoảng hơn 1.000 trường hợp yêu cầu kiểm tra côngtơ.

Các côngtơ được đưa về các trung tâm kiểm tra hầu hết đều đạt, theo sai số cho phép. Chỉ có 6 côngtơ (chiếm khoảng 0,58%) cho sai số, nhưng đến nay, ngành điện cũng đã có giải đáp, thực hiện hoàn tiền, thu tiền với những trường hợp này.

Ông Bùi Trung Dũng cho hay, côngtơ điện là phương tiện đo lường quan trọng và phải kiểm soát chặt chẽ. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã xây dựng hệ thống các tổ chức kiểm định gồm các doanh nghiệp tư nhân, các đơn vị thuộc hệ thống quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, các đơn vị trực thuộc các Tổng công ty Điện lực.

Hoạt động này theo ông Bùi Trung Dũng phải tuân thủ các điều kiện về độc lập, khách quan đã được cụ thể hóa tại Nghị định 105 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường, Luật Đo lường.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, qua kiểm tra của đoàn kiểm tra về côngtơ điện và hóa đơn tiền điện vừa qua cho thấy, quy trình kinh doanh của ngành điện rất chặt chẽ.

Công tác chăm sóc khách hàng, giải đáp thông tin, khiếu nại của khách hàng cũng được đơn vị làm rất triệt để.

Ông Hùng nhận định, vấn đề cốt yếu là do khách hàng còn thiếu thông tin. Do vậy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần tăng cường truyền thông để khách hàng hiểu về hoạt động kinh doanh của ngành điện, công tác ghi chỉ số, kiểm định côngtơ, cũng như hiểu rõ các tiện ích từ hóa đơn điện tử, tiếp cận các kênh chăm sóc khách hàng ngành điện….

Tại tọa đàm, mặc dù khẳng định các loại côngtơ điện sử dụng cho các khách hàng sinh hoạt hiện nay đều đã qua kiểm định đảm bảo chất lượng, đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) cho hay, cơ quan kiểm định chất lượng côngtơ điện đều được thực hiện trong môi trường tối ưu như phòng thí nghiệm, có nhiệt độ tiêu chuẩn nên sẽ có sai số nhất định khi côngtơ điện lắp đặt và sử dụng trong điều kiện môi trường thực tế, nhiệt độ nóng lạnh cũng như độ ẩm ở những thời điểm khác nhau, phụ thuộc theo mùa của thời tiết.

Theo EVN HANOI, bất kỳ khi nào khách hàng sử dụng điện có nghi ngờ chất lượng côngtơ điện cũng như chỉ số côngtơ điện, đều có thể yêu cầu kiểm định lại côngtơ. Trong thời gian chờ đợi kiểm định, ngành điện có thể cung cấp côngtơ điện khác thay thế cho các hộ sử dụng điện sinh hoạt đến khi có kết quả kiểm định và lắp đặt hoàn trả côngtơ điện cũ.

[EVN thông tin về kết quả kiểm tra trong ghi chỉ số côngtơ]

Ngoài ra, trong trường hợp khách hàng vẫn không tin tưởng vào kết quả kiểm định của ngành điện, khách hàng hoàn toàn có thể tự đưa côngtơ điện đến kiểm định tại Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đến khi hài lòng với chất lượng của côngtơ điện.

Hiện nay, quy trình ghi chỉ số côngtơ được thống nhất trên toàn EVN và được quản lý qua phần mềm CMIS 3.0 theo đúng quy định.

Với côngtơ cơ, việc ghi chỉ số côngtơ được thực hiện thủ công bằng thiết bị chuyên dụng do công nhân ngành điện thực hiện. Đối với các côngtơ điện tử, ngành điện đều có thể ghi nhận chỉ số côngtơ điện từ xa qua các thiết bị và phần mềm quản lý.

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN, "bất kì mỗi côngtơ điện của khách hàng khi được ghi nhận có chỉ số sai lệch 30% so với mức bình thường, ngành điện đều có tiến trình phúc tra và quá trình này được thực hiện tại hiện trường."

"Quá trình phúc tra này được thực hiện trong vòng 24 giờ để kịp thời phát hiện xem sai sót do bản thân côngtơ điện hay sai sót từ việc ghi nhận chỉ số. Đặc biệt, đối với các côngtơ điện tử, khách hàng đều có thể giám sát, kiểm soát chỉ số tiêu thụ điện hàng ngày".

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Dũng, trong thời gian vừa qua đã có 0,22% khách hàng có thắc mắc liên quan đến chỉ số côngtơ điện. Những thắc mắc về chỉ số côngtơ điện được đọc, ghi bằng nhân công vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất do nhiều nguyên nhân khác nhau, có cả sai sót do công nhân đọc sai chỉ số.

Một số trường hợp dẫn đến việc đọc chỉ số sai là do côngtơ điện được lắp đặt trong nhà, công nhân đọc chỉ số tiêu thụ điện không gặp được khách hàng, không tiếp cận được trực tiếp côngtơ điện nhưng vẫn được phép ghi theo đặc tính, theo quy định là chỉ số điện tháng đó tương đương với những tháng trước và quy trình này được cho áp dụng tối đa 2 tháng.

“Đây là quy trình đã được quy định nên nhiều khi dẫn tới sự “vênh” chỉ số giữa khách hàng và ngành điện nhưng khi có khiếu nại, các bên đều chủ động giải quyết một cách ổn thỏa,” ông Dũng cho biết.

Ông Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, việc quản lý và sử dụng côngtơ điện hiện nay đều được thực hiện theo Luật Đo lường và được quản lý bằng phần mềm. Những côngtơ đến hạn kiểm định đều phải kiểm định nghiêm ngặt để hoạt động đúng theo Luật Điện lực và Luật Đo lường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục