Từ tháng 5/2023 đến nay, có hơn 1.200 trẻ em đã tử vong tại các trại tị nạn ở Sudan, trong khi từ nay đến cuối năm, hàng nghìn trẻ sơ sinh khác có nguy cơ rơi vào tình cảnh tương tự do các vấn đề chăm sóc sức khỏe tại quốc gia chìm trong xung đột này.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) ngày 18/9 đã đưa ra số liệu báo cáo trên để cảnh báo về hệ lụy của cuộc khủng hoảng tại Sudan đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Báo cáo của UNHCR cho biết số trẻ em tử vong này đều dưới 5 tuổi, được ghi nhận tại 9 trại tị nạn tập trung chủ yếu là người tị nạn Nam Sudan và Ethiopia.
[Nạn đói khiến gần 500 trẻ em Sudan tử vong sau 4 tháng xung đột]
Cũng trong thời gian từ ngày 15/5-14/9, UNHCR ghi nhận 3.100 trường hợp khác nghi mắc bệnh sởi. hơn 500 ca mắc bệnh tiêu chảy, trong khi dịch sốt xuất huyết và sốt rét bùng phát cũng trở thành mối lo khác.
Người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ông James Elder cho biết dự kiến sẽ có 330.000 trẻ chào đời trong khoảng 3 tháng cuối năm 2023, và điều đáng lo ngại là cũng trong thời gian này, dịch vụ về dinh dưỡng cũng thiếu thốn nghiêm trọng.
Theo ông Elder, mỗi tháng có khoảng 55.000 trẻ em cần được điều trị ở dạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng nhất ở Sudan, nhưng tại thủ đô Khartoum, tỷ lệ trung tâm dinh dưỡng hoạt động chưa đến 1/50, trong khi tỷ lệ này ở khu vực Tây Darfur là 1/10.
Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi nhấn mạnh thế giới có phương tiện và tài chính để ngăn chặn các ca tử vong do bệnh sởi hoặc suy dinh dưỡng, song hơn hết cần chấm dứt xung đột để đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ chăm sóc cơ bản.
UNICEF cũng đặc biệt lưu ý việc thiếu kinh phí để triển khai các chương trình hỗ trợ tại Sudan.
Cơ quan này cho biết mới chỉ nhận được 1/4 trong số 838 triệu USD (784 triệu euro) mà họ yêu cầu để giúp đỡ 10 triệu trẻ em ở Sudan và điều này có nghĩa là càng ít kinh phí hỗ trợ, sẽ càng nhiều trẻ em bị tử vong./.