Thời gian gần đây, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng tại nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.
Còn ở miền Bắc đang vào mùa nắng nóng kèm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển. Tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, số ca sốt xuất huyết tăng mạnh trong tháng Tám.
8.900 ca mắc sốt xuất huyết trong một tuần
Theo Bộ Y tế, thống kê tổng hợp từ các địa phương trong tuần vừa qua, cả nước ghi nhận gần 8.900 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với tuần trước (10.852 ca mắc, 3 trường hợp tử vong) số mắc sốt xuất huyết tuần này giảm 18%; trong đó số nhập viện là 6.784 trường hợp, giảm 18% so với tuần trước (8.347 trường hợp nhập viện).
[Bà Rịa-Vũng Tàu: Ghi nhận 8 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết]
Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 179.011 ca mắc sốt xuất huyết, 70 trường hợp tử vong.
Tại Miền Bắc, các bệnh viện những ngày qua cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Cụ thể, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị gần 30 ca sốt xuất huyết, tăng hơn so với đầu tháng Tám, trong đó gần 10 ca trong tình trạng nặng.
Báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho thấy trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 308 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 22 ổ dịch mới, không có trường hợp nào tử vong. Cộng dồn năm 2022, Hà Nội ghi nhận 1.342 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021 và không có trường hợp tử vong.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại 27 quận/huyện, 144 xã/phường/thị trấn; trong đó bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như Đống Đa (36), Thường Tín (33), Thanh Trì (32), Thanh Oai (28), Phú Xuyên (19), Hoàng Mai (18), Ba Đình (15).
CDC Hà Nội nhận định trong tuần số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao so với tuần trước. Dự báo số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, kết quả giám sát tại nhiều điểm có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố, trong tuần 35 (từ ngày 22 đến 28/8), Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 2.532 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 21% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm gần 34% và ngoại trú giảm gần 7%. Trong tuần 35 không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Đến 28/8, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 48.756 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó số ca sốt xuất huyết trong tình trạng nặng là 947 ca, tỉ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc đến tuần 35 là gần 2%, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Bệnh có dấu hiệu nguy hiểm từ ngày thứ 4
Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Bắt đầu từ ngày thứ tư, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám.
Từ ngày thứ tư người bệnh nên theo dõi sát sao vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm. Do đó, người bệnh đến khám lại ngay khi có một trong các dấu hiệu sau: Thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt; không ăn, uống được và nôn nhiều, đau bụng nhiều, tay chân lạnh/ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; không tiểu trên 6 giờ; biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì; khó thở.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/loăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
Bên cạnh đó, các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Đặc biệt, người dân không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà./.