Hơn 190 nước thông qua Hiệp ước mới bảo vệ bản quyền sinh học

Theo hiệp ước vừa đạt được, những người nộp đơn xin cấp bằng sáng chế sẽ phải tiết lộ xuất xứ nguồn gene trong phát minh của mình và người đã cung cấp kiến thức truyền thống liên quan.

Hiệp ước WIPO mới đạt được sau hơn 20 năm đàm phán. (Nguồn: WIPO)
Hiệp ước WIPO mới đạt được sau hơn 20 năm đàm phán. (Nguồn: WIPO)

Ngày 24/5, hơn 190 nước đã nhất trí về hiệp ước mới, chống lại cái gọi là vi phạm bản quyền sinh học và quản lý các bằng sáng chế từ các nguồn gene như cây thuốc, đặc biệt là những cây có công dụng dựa trên kiến thức truyền thống.

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) của Liên hợp quốc cho biết sau các cuộc đàm phán kéo dài, các đại biểu của hơn 190 nước đã nhất trí thông qua "Hiệp ước WIPO đầu tiên nhằm giải quyết mối liên quan giữa sở hữu trí tuệ, nguồn gene và kiến thức truyền thống."

Theo hiệp ước vừa đạt được, những người nộp đơn xin cấp bằng sáng chế sẽ phải tiết lộ xuất xứ nguồn gene trong phát minh của mình và người đã cung cấp kiến thức truyền thống liên quan.

Mục đích của việc cho ra đời hiệp ước này là chống lại vi phạm bản quyền sinh học, thông qua việc đảm bảo phát minh này thực sự mới và các quốc gia cũng như cộng đồng địa phương có liên quan cho phép sử dụng nguồn gene của họ, chẳng hạn như các loài thực vật và kiến thức truyền thống xung quanh chúng.

Trong khi các nguồn gene tự nhiên - chẳng hạn như các nguồn gene được tìm thấy trong cây thuốc, cây nông nghiệp và giống vật nuôi - không thể được bảo vệ trực tiếp dưới dạng sở hữu trí tuệ, các phát minh sử dụng các nguồn gene tự nhiên này có thể được cấp bằng sáng chế.

Sau hơn 20 năm thảo luận về chủ đề này, hơn 190 quốc gia thành viên của WIPO đã bắt đầu đàm phán từ ngày 13/5 tại trụ sở của cơ quan này ở Geneva (Thụy Sĩ) nhằm đi đến một hiệp ước.

Các cuộc đàm phán đã phải kéo dài để các bên tìm được tiếng nói chung trong việc áp chế tài trừng phạt.

Những người ủng hộ hiệp ước lập luận rằng việc tăng cường công bố thông tin sẽ nâng cao sự chắc chắn và minh bạch về mặt pháp lý, mang lại lợi ích cho các quốc gia và cộng đồng nơi có nguồn gene tự nhiên.

Các nước đang phát triển đã kêu gọi minh bạch hơn về nguồn gốc nguồn gene, đồng thời muốn bằng sáng chế bị thu hồi dễ dàng nếu chủ sở hữu không cung cấp thông tin.

Trong khi đó, các nước phát triển cho rằng biện pháp trừng phạt này sẽ cản trở đổi mới sáng tạo.

Phải mất nhiều năm thảo luận, các bên mới có thể giảm bớt 5.000 trang tài liệu về chủ đề này và đi đến một hiệp ước.

Đại sứ Brazil Guilherme de Aguiar Patriota - chủ trì các cuộc đàm phán, đã hoan nghênh hiệp ước trên, coi đây là sự thỏa hiệp và giải pháp tốt nhất có thể nhằm kết nối và cân bằng nhiều lợi ích khác nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục