Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ em” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức sáng 15/12 tại Hà Nội.
Chỉ 30% trẻ em từ 6-14 tuổi biết bơi
Cung cấp thông tin về tình hình tai nạn thương tích trẻ em và đuối nước, bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết trong 10 năm qua, tình hình tử vong do đuối nước ở trẻ em tại Việt Nam đã giảm. Nếu như năm 2010 có 3.300 trẻ tử vong do đuối nước thì con số này vào năm 2019 là hơn 2.000 trẻ.
“Mặc dù có xu hướng giảm nhưng số lượng trẻ em tử vong do đuối nước vẫn cao, đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do tai nạn thương tích trẻ em. Tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển,” bà Vũ Thị Kim Hoa nhấn mạnh.
Tai nạn đuối nước xảy ra ở khu vực nông thôn cao gấp gần 4 lần so với khu vực thành thị. Tai nạn xảy ra chủ yếu tại cộng đồng (ao, sông, suối hồ biển, ngã xuống hố ga, hố xây dựng) chiếm 77,6%; 15,8% tại gia đình và 6,6% tại nơi khác. Đuối nước gặp chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ học.
Đánh giá các nguyên nhân chủ yếu gây đuối nước trẻ em, bà Vũ Thị Kim Hoa cho biết trước hết là do nhận thức và hiểu biết chung về đuối nước trẻ em còn thấp. Nhiều trường hợp đuối nước trẻ em xảy ra do sự thiếu kiến thức của người lớn, thiếu kiến thức của bản thân trẻ. Mặt khác, nhiều trẻ em không biết bơi, mới có 30% trẻ em từ 6-14 tuổi biết bơi.
“Đuối nước cũng xảy ra do sự xao nhãng, vô ý, bất cẩn của các bậc cha mẹ. Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ em tắm ở ao hồ, sông suối và tắm biển không có người lớn đi kèm,” bà Vũ Thị Kim Hoa nói.
[Tranh thủ làm việc nhà khi trông trẻ, hai cháu bé tử vong do đuối nước]
Các nguyên nhân khác được bà Vũ Thị Kim Hoa chỉ ra như môi trường sống tại gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ đuối nước trẻ em; việc dạy bơi tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn do thiếu đội ngũ giáo viên, thiếu bể bơi nhất là ở các địa phương nghèo, vùng sâu vùng xa; sự quan tâm đầu tư nguồn lực của Nhà nước và địa phương cho công tác phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em còn hạn chế...
Tuyên truyền đúng thời điểm, đúng đối tượng
Bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu tại Việt Nam (GHAI) phân tích đuối nước trẻ em xảy ra nhiều nhất vào thời điểm mùa hè, đỉnh điểm vào tháng 6 chứ không phải trong mùa mưa bão. Do đó, để giảm thiểu tử vong do đuối nước cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho trẻ em ngay từ khi kết thúc năm học, kéo dài đến tháng 9, 10 khi trẻ trở lại năm học.
Từ góc độ địa phương, ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An cho rằng muốn tuyên truyền hiệu quả thì phải gắn với công việc thiết thực, cụ thể ngay từ cơ sở.
“Chúng ta nói tuyên truyền quan trọng lắm nhưng nếu không có việc cụ thể thì sẽ không vào người dân. Do đó, ngoài tuyên truyền thì phải bắt tay ngay vào việc làm cụ thể. Nếu muốn nâng cao nhận thức của người dân thì phải nâng cao nhận thức của cán bộ và các cấp ủy, chính quyền,” ông Võ Văn Dũng nói.
Chia sẻ kinh nghiệm trong tuyên truyền, ông Võ Văn Dũng cho rằng phải chọn được nội dung tuyên truyền gắn với mỗi đoàn thể, cơ quan, tổ chức; chọn đối tượng có trọng tâm và chọn địa bàn phải hướng về cơ sở.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước Quốc tế quyền trẻ em. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các điều ước Quốc tế đã cam kết và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng ngày càng hoàn thiện.
Hiện nay, Việt Nam vẫn còn những thách thức đối với việc bảo đảm các quyền của trẻ em và đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em Việt Nam do tai nạn thương tích. Chính vì vậy, công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo.
“Chúng tôi cũng kỳ vọng với sự tham gia của Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy sẽ tham mưu để phát huy vai trò chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích cũng như đuối nước cho trẻ em; ưu tiên bố trí kinh phí và giao nhiệm vụ cho cán bộ để thực hiện công tác này; chú trọng truyền thông nhằm giảm thiểu các nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em,” Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nói./.