Với hơn 52.000 liệt sỹ, hơn 32.000 thương-bệnh binh, gần 30.000 người và con đẻ của họ bị nghi nhiễm chất độc hóa học, hơn 5.500 người được truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, tỉnh Thái Bình là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số lượng người có công với cách mạng.
Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn,” “Đền ơn đáp nghĩa,” những năm qua tỉnh luôn dành quan tâm đặc biệt đến triển khai chính sách cho người và gia đình người có công trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của những người có công và thân nhân của họ.
Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công tỉnh Thái Bình trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh được thành lập theo Quyết định số 3214/QĐ-UBND ngày 6/12/2018 của Ủy ban Nhân dân tỉnh trên cơ sở sáp nhập 2 đơn vị là Trung tâm Nuôi dưỡng và Phục hồi chức năng; Trung tâm Điều dưỡng người có công.
Với 2 cơ sở tại xã Minh Quang (huyện Vũ Thư) và xã Đông Minh (huyện Tiền Hải), nhiều năm qua Trung tâm đã trở thành địa chỉ nghỉ ngơi, an dưỡng, điều dưỡng quen thuộc của nhiều đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Điều vui hơn cả là không chỉ được chăm sóc về sức khỏe, những thương, bệnh binh, người có công với cách mạng khi tới đây còn được gặp lại những người đồng chí, đồng đội của mình, cùng sống lại ký ức về những năm tháng chiến đấu gian khổ, oanh liệt.
Ông Phạm Quang Lung (xã Đông Hòa, thành phố Thái Bình) đã đến Trung tâm lần thứ năm. Ông cho biết mỗi lần tới điều dưỡng tại đây ông đều nhận thấy Trung tâm có nhiều thay đổi, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, hệ thống phòng nghỉ, phòng ăn, phòng chăm sóc sức khỏe được đầu tư hiện đại. Không chỉ vậy, sự quan tâm, chăm sóc tận tình của các đồng chí trong Ban Giám đốc cũng như cán bộ, nhân viên Trung tâm khiến tất cả những người có công đến đây đều thấy vui vẻ, sức khỏe được cải thiện sau mỗi đợt điều dưỡng.
Với truyền thống “Thóc thừa cân, quân vượt mức,” tất cả cho tiền tuyến để dành độc lập, tự do cho dân tộc, trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế, trên 50 vạn người con Thái Bình đã lên đường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường.
Kết thúc chiến tranh, Thái Bình có trên 52.000 liệt sỹ; trên 5.500 người được truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; trên 32.000 thương, bệnh binh và hàng vạn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bị địch bắt tù, đày...
Những năm qua, Thái Bình luôn ưu tiên dành nguồn lực chăm lo cho cuộc sống người có công và gia đình người có công. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cải thiện nhà ở cho hơn 17.000 gia đình người có công với cách mạng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công và gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, tạo sự chuyển biến mới, mạnh mẽ trong cộng đồng đối với việc xã hội hóa công tác chăm sóc và tri ân đối với người có công.
Công tác thăm hỏi, tặng quà người có công và gia đình họ trở thành hoạt động thường niên của địa phương mỗi dịp lễ, Tết. Ngay trong những ngày tháng Bảy tri ân năm nay, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng đã trao hơn 84.000 suất quà đến người có công và gia đình có công với cách mạng.
Thương binh 1/4 Trần Văn Kiên (thôn Hải Định, xã Nam Trung, huyện Tiền Hải) chia sẻ, năm 1972, ông bị thương ở Mặt trận Bình-Trị-Thiên khiến hỏng cả hai mắt. Ông xuất ngũ trở về địa phương với tỷ lệ thương tật 81%. Mặc dù vết thương chiến tranh khiến ông gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng nhờ sự hỗ trợ của gia đình, đặc biệt là các chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của địa phương, ông đã có cuộc sống ổn định. Đó là điều hạnh phúc đối với thương binh nặng như ông.
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Phí Ngọc Thành cho biết Thái Bình là một trong số những địa phương đứng đầu cả nước về số lượng người có công với cách mạng. 77 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình thường xuyên thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Bằng nhiều việc làm thiết thực, các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tích cực tham gia công tác người có công, phong trào Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng, ủng hộ Quỹ Ðền ơn đáp nghĩa… giúp đỡ người có công và gia đình họ có cuộc sống tốt hơn.
Thời gian tới, Thái Bình tiếp tục thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, chính sách cho người có công với cách mạng, đặc biệt là thực hiện đúng, kịp thời chính sách được quy định trong Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi năm 2020) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp với các cấp, ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách nhất là ở cơ sở, bảo đảm việc đúng quy định, chặt chẽ, minh bạch; đẩy mạnh xã hội hóa để có thêm nguồn lực chăm lo tốt hơn cho người có công và gia đình họ; rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến giải quyết và thực hiện chính sách người có công, tạo thuận lợi tối đa cho người dân.
Tháng Bảy - tháng tri ân những Anh hùng Liệt sỹ, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, những thương, bệnh binh, những người đã anh dũng hy sinh hay để lại một phần thân thể ở chiến trường.
Ở 208 công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Thái Bình đều được chăm sóc, chỉnh trang chu đáo, thể hiện trách nhiệm cao cả cũng như gửi gắm tình cảm, sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay trước những những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương, cống hiến để giành lại độc lập, tự do, hạnh phúc, vì Tổ quốc, vì nhân dân./.
Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7: Mùa tri ân trên vùng “đất lửa” Quảng Trị
Quảng Trị được gọi vùng “đất lửa” bởi mỗi tấc đất, dòng sông, địa danh nơi đây đều ghi đậm dấu tích của một thời đạn bom; gánh chịu nhiều đau thương, hy sinh mất mát, tàn khốc của chiến tranh.