Hơn 6,62 triệu USD thúc đẩy hiệu suất năng lượng

Văn kiện hợp tác triển khai dự án thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp có kinh phí 6,6 triệu USD đã được ký tại Hà Nội.
Chiều 18/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng và ông Patrick J.Gilabert, Trưởng đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam, đã ký văn kiện hợp tác triển khai dự án "Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý năng lượng tại Việt Nam" do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ.

Dự án bắt đầu thực hiện từ tháng 5/2011, thời gian thực hiện là 3 năm rưỡi với sự điều phối của Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 6.625.000 USD.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tiếp cận về tối ưu hóa hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý năng lượng ISO 50001.

Dự án được thiết kế cho các doanh nghiệp công nghiệp tiết kiệm năng lượng trong toàn hệ thống sản xuất và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn ISO về quản lý năng lượng nhằm tích hợp tiết kiệm năng lượng như là một phần trong chu trình quản lý và thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng bền vững.

Trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 có đề ra mục tiêu phấn đấu tiết kiệm từ 5-8% năng lượng.

Ông Patrick J.Gilabert đánh giá Việt Nam là nước có hệ số sử dụng năng lượng tương đối cao so với các nước đang phát triển khác. Tuy nhiên các doanh nghiệp công nghiệp còn chưa hiểu biết nhiều về tối ưu hóa hệ thống tiết kiệm năng lượng, do vậy việc thực hiện tiết kiệm đạt hiệu quả chưa cao. Theo ông Patrick J.Gilabert, tùy thuộc vào từng hệ thống tối ưu hóa mà khả năng tiết kiệm năng lượng có thể lên đến 25%.

Bước đầu, dự án ưu tiên cho việc xây dựng năng lực cho các bên tham gia bao gồm các doanh nghiệp sản xuất, các nhà cung cấp và phân phối thiết bị, công ty cung cấp và tư vấn dịch vụ năng lượng và các nhà hoạch định chính sách.

Những ngành công nghiệp nhận được hỗ trợ từ dự án này là chế biến thực phẩm, dệt may, cao su, giấy và bột giấy. Ngoài ra, dự án sẽ đào tạo 10 chuyên gia trong nước về quản lý năng lượng và chuyển giao năng lực cho doanh nghiệp bằng việc giới thiệu tiêu chuẩn ISO 50001; cung cấp các ưu đãi cần thiết cho các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.

Dự án cũng đào tạo 40 kỹ sư và 150 cán bộ nhà máy về tối ưu hóa hệ thống, đồng thời triển khai 25 dự án trình diễn về tối ưu hóa hệ thống…/.

Hoàng Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục