Hơn 80 tác phẩm gốm trưng bày ở triển lãm Yakishime-Dáng hình của Đất

Triển lãm trưng bày hơn 80 tác phẩm gốm theo 3 nội dung gồm các trà cụ dùng trong trà đạo, nét văn hóa truyền thống quan trọng của Nhật Bản; dụng cụ ăn uống và các tác phẩm nghệ thuật đa dạng.
Hơn 80 tác phẩm gốm trưng bày ở triển lãm Yakishime-Dáng hình của Đất ảnh 1Dù là một trong những phương pháp sản xuất gốm nguyên sơ nhất, nhưng Yakishime có lịch sử phát triển độc nhất tại Nhật Bản. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế 2023, ngày 27/4, tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Huế và Hội Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên-Huế khai mạc Triển lãm gốm Nhật "Yakishime-Dáng hình của Đất."

Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam Doi Katsuma cho biết triển lãm tập trung giới thiệu các sản phẩm gốm được chế tác bằng phương pháp Yakishime (phương pháp nung gốm không tráng men ở nhiệt độ cao). Dù là một trong những phương pháp sản xuất gốm nguyên sơ nhất nhưng Yakishime có lịch sử phát triển độc nhất tại Nhật Bản.

Triển lãm sẽ trưng bày các sản phẩm Yakishime từ thời kỳ đầu cho đến các tác phẩm đương đại; qua đó giúp công chúng hiểu thêm một khía cạnh của văn hóa Nhật Bản.

Triển lãm trưng bày hơn 80 tác phẩm gốm theo 3 nội dung gồm các trà cụ dùng trong trà đạo, nét văn hóa truyền thống quan trọng của Nhật Bản; dụng cụ ăn uống - một phần không thể thiếu trong đời sống thường ngày của người Nhật và các tác phẩm nghệ thuật đa dạng được các nghệ sỹ gốm sáng tạo, chế tác bằng phương pháp Yakishime.

[Chiêm ngưỡng các tác phẩm gốm Yakishime độc đáo của Nhật Bản]

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên-Huế Phan Thanh Hải chia sẻ triển lãm mang đến cho công chúng, đặc biệt là người yêu văn hóa gốm cái nhìn thú vị về truyền thống văn hóa của Nhật Bản gắn liền với gốm; đồng thời cũng có thể thấy được điểm tương đồng giữa Việt Nam và Nhật Bản trong cách ứng xử với đất và gốm.

Triển lãm càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra trong dịp thành phố Huế tổ chức Festival nghề truyền thống lần thứ 9 và hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.

Đồ gốm Yakishime sớm nhất có niên đại từ thế kỷ thứ IV hoặc thứ V. Tuy nhiên, phải đến khoảng thế kỷ XII đến thế kỷ XVII, kỹ thuật này mới có chỗ đứng vững chắc và được sử dụng trong một công đoạn sản xuất quan trọng tại các trung tâm gốm lớn ở Nhật Bản là Bizen, Shigaraki và Tokoname.

Ban Tổ chức triển lãm hy vọng, thông qua việc trải nghiệm những sản phẩm gốm Yakishime phong phú này, người xem sẽ nhận thức được chiều sâu và sự đa dạng, cũng như hiểu rõ hơn về sự sáng tạo của văn hóa Nhật Bản.

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 14/5./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục