Nhắc đến Honda Motor Co. là nhắc đến “chất lượng cao và giá cả phải chăng,” điều không chỉ đúng với sản phẩm của Honda tại châu Á mà còn chuẩn tại thị trường Mỹ.
Do đó, Honda có căn cứ để vượt qua thách thức hiện tại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cách đây không lâu nói rằng phụ tùng ôtô và ôtô nhập khẩu là mối nguy đối với an ninh quốc gia Mỹ và đe dọa áp mức thuế lên tới 25%.
Trước những năm 1950, thương hiệu “Made in Japan” (sản xuất tại Nhật Bản) chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Mỹ, các sản phẩm của Nhật thậm chí còn bị gắn với trình độ phát triển kinh tế thấp kém của nước này giai đoạn đó.
Phải đến những năm 1950, khi các sản phẩm chất lượng cao của Nhật Bản thâm nhập thị trường Mỹ, định kiến của người dân nước này đối với hàng hóa của Nhật Bản mới dần được điều chỉnh.
[Doanh số bán ôtô của các hãng lớn tại Mỹ khả quan hơn dự báo]
Năm 1959, Honda thành lập American Honda Motor Co. tại Los Angeles, bắt đầu đưa một số sản phẩm, điển hình là xe máy Honda 50 vào thị trường Mỹ.
Doanh thu của American Honda bứt phá từ mốc 500.000 USD trong năm 1960 lên 77 triệu USD vào năm 1965, một phần nhờ chiến dịch tiếp thị năm 1963 mang thông điệp “Bạn gặp người tuyệt vời nhất trên một chiếc Honda.”
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đẩy giá dầu tăng cao, buộc người dân Mỹ phải tìm kiếm phương tiện nhỏ và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Đây cũng là thời điểm các hãng chế tạo ôtô Nhật Bản tận dụng ưu thế cạnh tranh so với đối thủ Mỹ.
Không lâu sau, Honda Civic trở thành phương tiện đầu tiên đáp ứng các hạn chế mới về khí thải ôtô. Những năm sau đó, Honda nỗ lực nghiên cứu, nâng cao hiệu quả hoạt động. Người dân Mỹ bắt đầu nhìn nhận Honda là một ưu thế, thay vì một mối đe dọa bởi họ biết Honda tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ mang về nhiều lợi ích cho nền kinh tế.
Honda đối mặt “trận gió ngược” lớn tại Mỹ trong những năm 1980 khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng. Washington lúc này gây sức ép buộc Nhật Bản mở cửa thị trường cho công ty Mỹ và nỗ lực tìm lại cần bằng thương mại giữa hai nước. Cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế nổ ra.
Đứng trước biện pháp hạn chế nhập khẩu của Washington, nhiều hãng chế tạo ôtô Nhật Bản quyết định thiết lập nhà máy chế tạo tại Mỹ, đồng thời kết nối quan hệ đồng minh với các hãng chế tạo ôtô nội địa.
Honda còn đẩy mạnh hoạt động bán xe hạng sang, điển hình là mẫu Honda Acura nhằm cạnh tranh với dòng xe cỡ trung lâu nay vốn là “cần câu cơm” của các hãng chế tạo ôtô Mỹ. Khi Honda thích nghi với bối cảnh chính trị tại Mỹ, hoạt động kinh doanh của hãng thật sự khởi sắc.
Honda sản xuất ra chiếc ôtô tại Mỹ thứ 25 triệu vào năm 2018, sở hữu lực lượng lao động hơn 31.000 người tại “nước cờ hoa,” xuất xưởng hàng loạt sản phẩm như xe ôtô, xe tải, xe thể thao đa dụng (SUV), xe máy, máy cắt cỏ, người máy (robot).
Xung quanh khuôn viên nhà máy của Honda ở Marysville, Ohio, hãng trồng 64 cái cây biểu trưng cho 64 nhân viên được tuyển dụng ban đầu vào nhà máy này. Honda Motor thiết lập quan hệ với hơn 15.000 đối tác và hơn 134 nhà cung ứng tại Mỹ.
Neil Vining, kỹ sư trưởng tại nhà máy của Honda ở Marysville, đã chứng kiến quá trình lớn mạnh của Honda. Theo ông, bằng việc kết hợp ý tưởng Nhật Bản và ý tưởng Mỹ, Honda đã tạo ra sự giao thoa giữa hai nền văn hóa và hãng đã sáng tạo ra cái được gọi là "cách thức của Honda."
Honda Motor Co. dự báo lợi nhuận ròng của tập đoàn tăng 9% lên 665 tỷ yen (6,05 tỷ USD) trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2020. Kết thúc tài khóa vừa qua, Honda đạt 610,32 tỷ yen lợi nhuận ròng trên tổng doanh thu 15.890 tỷ yen./.