Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ tám (EAMF-8) đã diễn ra vào chiều tối 15/12 theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.
EAMF-8 có sự tham dự của đại diện các nước ASEAN và tám nước đối tác, đại diện Đại sứ quán các nước tại Hà Nội, nhiều học giả và chuyên gia về biển có uy tín trong nước và quốc tế, cùng đại diện các bộ, ngành liên quan của Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của không gian biển đối với an ninh, ổn định, phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, theo đó chia sẻ sự cần thiết phải tăng cường hợp tác về biển.
Nhiều lĩnh vực ưu tiên đã được đề cập, trong đó bao gồm bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, ngăn ngừa sự cố, xây dựng lòng tin và môi trường thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển cũng như bảo vệ môi trường, xử lý rác thải nhựa và chống đánh bắt cá trái phép…
Các đại biểu cũng khẳng định hợp tác biển là một nội dung quan trọng hỗ trợ cho quá trình ứng phó và thúc đẩy phục hồi hậu dịch COVID-19, theo đó cần tiếp tục ưu tiên kết nối biển để góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng.
Trước tình hình nhiều quốc gia đang xây dựng và triển khai chiến lược, sáng kiến riêng về hợp tác biển, các đại biểu cho rằng cần thúc đẩy sự gắn kết giữa các chiến lược, sáng kiến này cũng như bảo đảm hài hòa, bổ trợ cho các chiến lược, kế hoạch của khu vực.
Nhiều đối tác khẳng định ủng hộ các mục tiêu, định hướng hợp tác nêu trong Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), trong đó xác định hợp tác và an ninh biển là một lĩnh vực trọng tâm, mong muốn gắn kết chiến lược của mình với AOIP.
Nhân dịp này, hội nghị đã nghe các bài trình bày của đại biểu Ấn Độ về Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI) do Thủ tướng Modi đưa ra tại Cấp cao Đông Á lần thứ 15 (tháng 11/2020) và của đại biểu Trung Quốc về đề xuất thiết lập Đối tác kinh tế biển xanh ASEAN-Trung Quốc.
[Năm 2020 ASEAN đoàn kết và chủ động vượt qua thách thức]
Ghi nhận kết quả hợp tác biển thời gian qua trong các khuôn khổ của ASEAN và khu vực, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian trao đổi về những thách thức đang nổi lên trên biển, trong đó có nạn đánh bắt cá trái phép, đánh bắt cá quá mức, ô nhiễm và suy thoái môi trường biển, rác thải nhựa, tội phạm trên biển, lao động cưỡng bức, buôn bán người, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực …
Ngoài ra, các tranh chấp trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, căng thẳng và nguy cơ xảy ra sự cố, va chạm ngày càng gia tăng, cùng với các yêu sách, hành động trái với luật pháp quốc tế, gây phương hại tới hòa bình, an ninh và trật tự pháp luật trên biển. Theo đó, các đại biểu khẳng định vai trò của luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển, nhấn mạnh các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều bình đẳng và có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế.
Các đại biểu cũng đã nghe trình bày của một số học giả về những vấn đề liên quan tới luật pháp quốc tế, bao gồm quy định trong Công ước Luật biển về các hoạt động quân sự và việc giải quyết tranh chấp có liên quan, về tính ổn định và thay đổi trong Luật biển và về khả năng xây dựng bộ quy tắc nhằm ngăn ngừa sự cố trên biển.
Nhiều đại biểu tiếp tục thể hiện quan ngại về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, trong đó có các hoạt động quân sự hóa, làm phức tạp tranh chấp và gia tăng căng thẳng, vi phạm luật pháp quốc tế…. Theo đó nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, xây dựng lòng tin, thượng tôn pháp luật, không quân sự hóa kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp và đặc biệt cần tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển với vai trò khung khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương.
Hội nghị chia sẻ tầm quan trọng của việc bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển.
Trong bối cảnh đàm phán xây dựng COC trong năm 2020 bị trì hoãn do tác động của đại dịch COVID-19 trong năm 2020, các đại biểu ASEAN và Trung Quốc khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để nối lại đàm phán trong năm 2021.
Các đại biểu đánh giá cao vai trò của Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng trong việc thúc đẩy đối thoại giữa các nước ASEAN và đối tác trong những vấn đề trên biển cùng quan tâm. Với thành phần và thể thức linh hoạt, Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng đã tạo cơ hội để các nước cùng nhau trao đổi về những vấn đề, thách thức mới nảy sinh và tìm kiếm ý tưởng, sáng kiến hợp tác.
Trên cương vị chủ trì Diễn đàn, ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn Việt Nam, đã điểm lại những thành quả đã đạt của Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng kể từ khi thành lập vào năm 2012, khẳng định Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng đã tạo cơ hội để các nước ASEAN và đối tác thảo luận nhiều chủ đề, ưu tiên chung…
Với tầm quan trọng ngày càng tăng của hợp tác biển, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh, Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng tiếp tục đóng vai trò phù hợp, là nơi thúc đẩy đối thoại, hợp tác xây dựng lòng tin giữa các nước trong những vần đề trên biển cùng quan tâm; khẳng định ASEAN sẽ tiếp tục nỗ lực để củng cố, phát huy hơn nữa vai trò của Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng. Nhân dịp này, Trưởng đoàn Việt Nam đã chia sẻ về quan điểm đồng thuận của ASEAN trong năm 2020 về vấn đề Biển Đông.
Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ tám là hoạt động cuối cùng trong chuỗi hoạt động về hợp tác biển mà Việt Nam chủ trì trong năm 2020.
Trước đó, trong ngày 14/12 và sáng ngày 15/12, Hội thảo ASEAN về "Cách tiếp cận gắn kết, thích ứng của ASEAN về Hợp tác biển" và Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ 10 đã diễn ra. Theo kế hoạch, Brunei nước Chủ tịch ASEAN 2021, sẽ chủ trì Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ 11 và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ chín trong năm 2021./.