Hợp tác sản xuất lúa gạo Việt Nam-Cuba bắt đầu chặng đường mới

Giai đoạn 5, Việt Nam sẽ hỗ trợ Cuba đạt mục tiêu gieo trồng 200.000 hécta lúa gạo với sản lượng bình quân đạt 6 tấn/hécta, đáp ứng 86% nhu cầu tiêu thụ gạo toàn quốc của quốc gia Mỹ Latinh này.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Cuba tiếp đoàn chuyên gia lúa gạo Việt Nam trước lễ khai mạc giai đoạn 5 của dự án. Ảnh: Lê Hà/TTXVN)
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Cuba tiếp đoàn chuyên gia lúa gạo Việt Nam trước lễ khai mạc giai đoạn 5 của dự án. Ảnh: Lê Hà/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, ngày 29/5, tại thủ đô La Habana đã diễn ra lễ mở màn giai đoạn 5 của Dự án hợp tác Việt Nam-Cuba về phát triển sản xuất lúa gạo, với sự tham dự đông đảo của cán bộ ngành nông nghiệp, các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia dự án của 2 bên.

Khởi đầu từ năm 1999, dự án này đã dần trở thành một trong những biểu tượng của quan hệ hợp tác với Việt Nam trong thời kỳ mới sau khi hoàn thành 4 giai đoạn với các mục tiêu lần lượt là tăng cường năng lực nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa cho nước bạn; xây dựng và phát triển mô hình cải tiến tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo vùng không chuyên canh; xây dựng mô hình sản xuất và cung ứng hạt giống lúa; và xây dựng, phát triển mô hình cải tiến tổ chức sản xuất áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo vùng chuyên canh.

Tại thời điểm kết thúc giai đoạn 4 vào tháng 12/2015, dự án đã được áp dụng rộng khắp tại 12 trên 15 tỉnh thành của Cuba, xây dựng 54.000 hécta mô hình sản xuất (tăng 163% so với kế hoạch), với năng suất bình quân đạt 4,36 tấn/hécta (từ mức 2,5 tấn/hécta ban đầu).

Đối với giai đoạn 5, dự kiến được tiến hành từ nay tới năm 2023, dự án đề ra mục tiêu gieo trồng 200.000 hécta lúa gạo với sản lượng bình quân đạt 6 tấn/hécta, qua đó thỏa mãn được 86% nhu cầu tiêu thụ gạo toàn quốc của Cuba.

[Việt Nam-Cuba trao đổi kinh nghiệm về soạn thảo chính sách kinh tế]

Phát biểu trong lễ khai mạc, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nông nghiệp Cuba Ydael Pérez Brito đã điểm lại sự phát triển của quá trình sản xuất lúa gạo - giờ đây đã trở thành loại ngũ cốc phổ biến nhất trong thực đơn của người dân tại “hòn đảo tự do” - với thay đổi bước ngoặt về sản lượng kể từ khi dự án hợp tác với Việt Nam được triển khai.

Thứ trưởng Pérez Brito đánh giá cao sự giúp đỡ của Việt Nam không chỉ qua những máy móc và giống cây trồng đã nhận được, mà đặc biệt là từ kỹ thuật và suy nghĩ gần gũi với cây lúa của người dân “đất nước hình chữ S,” được truyền đạt qua đội ngũ chuyên gia nhiều nhiệt huyết.

Đại sứ Việt Nam tại Cuba Nguyễn Trung Thành khẳng định dự án này chính là sự tiếp nối của tình đoàn kết đặc biệt giữa 2 dân tộc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ cách mạng Fidel Castro dày công vun xới, đồng thời cho thấy tiềm năng to lớn của hợp tác song phương.

Hợp tác sản xuất lúa gạo Việt Nam-Cuba bắt đầu chặng đường mới ảnh 1Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Lê Hà/TTXVN)

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Chủ nhiệm dự án về phía Việt Nam, nhận định hợp tác về sản xuất lúa gạo có ý nghĩa đặc biệt đối với quan hệ truyền thống giữa 2 nước, góp phần vào chiến lược từng bước đảm bảo an ninh lương thực quốc gia của Cuba.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề cuộc họp, giáo sư Nguyễn Hồng Sơn cho biết qua 4 giai đoạn đầu tiên, dự án đã xây dựng được nền tảng quan trọng cho hoạt động sản xuất lúa gạo như chuyển giao và phổ biến kỹ thuật canh tác tiên tiến, góp phần cải tạo hệ thống thủy lợi và một số cơ sở hạ tầng khác để nâng cao cả diện tích gieo trồng, hệ số sử dụng đất canh tác (từ 1 vụ lên 2 vụ/năm) cũng như năng suất.

Dự kiến, dự án sẽ tiếp tục được triển khai tại 12 trong số 15 tỉnh thành của Cuba, trong đó có 5 tỉnh trọng điểm có sự hiện diện của các chuyên gia trồng trọt Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục