Hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng

Thương mại giữa Việt Nam-Trung Quốc rất lớn do vậy công tác chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ an toàn thực phẩm giữa cơ quan chức năng hai Bên rất quan trọng.
Hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng ảnh 1Đẩy mạnh hợp tác giữa Tổng cục Quản lý Thị trường với Tổng cục Quản lý Giám sát Thị trường Nhà nước Trung Quốc về Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bảo vệ quyền Sở hữu Trí tuệ; Đảm bảo An toàn Thực phẩm; Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng; Công tác xây dựng Đảng và Kế hoạch hành động triển khai Biên bản ghi nhớ là những nội dung chính của Hội đàm ngày 19/9, tại Hà Nội giữa Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý Thị trường Trần Hữu Linh và Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc.

Đây cũng là những nội dung của Bản ghi nhớ đã ký kết ngày 26/6/2023 giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương và Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước.

Cơ chế mạnh bảo vệ người tiêu dùng

Chia sẻ tại Hội đàm, ông Huống Húc, Cục trưởng Cục Thanh tra thực thi pháp luật (Tổng cục Quản lý Giám sát Thị trường Nhà nước Trung Quốc) cho biết Trung Quốc hiện có những chính sách, chiến lược xây dựng về sở hữu trí tuệ, gây dựng thị trường mang tính quốc tế hóa, chú trọng cơ chế tương tác với nhau.

Năm 2011, Tổng cục Quản lý Giám sát Thị trường Nhà nước Trung Quốc thành lập tổ công tác dẫn đầu phòng chống hàng giả, Tổ công tác có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Mới đây, Tổ đã được đổi tên và nâng cao vị trí, vai trò so với trước với 30 thành viên, ngang tầm với Bộ. Đối với việc tăng cường thực thi pháp luật. Năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành cải cách, xác định quyền lực và thực thi pháp luật của quyền sở hữu trí tuệ.

Cũng theo ông Huống Húc, ở Trung Quốc thành lập Trung tâm Bảo vệ Quyền Người tiêu dùng về thực phẩm; triển khai Tổng đài khiếu nại với hơn 16 triệu người tiêu dùng đang đăng ký và sử dụng; phát hiện hơn 74,5 triệu vụ, giúp người tiêu dùng khắc phục tổn thất khoảng 2 tỷ USD.

Song song với việc tham gia giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý Giám sát Thị trường Nhà nước Trung Quốc cũng đẩy mạnh giải quyết tranh chấp qua mạng, Trung Quốc có cơ chế giải quyết tranh chấp online với 114.000 doanh nghiệp tham gia vào cơ chế này, theo đó khoảng 13,6% các vụ tranh chấp được giải quyết thông qua online.

[Việt Nam-Trung Quốc thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại thiết thực]

Ngoài ra, Trung Quốc cũng triển khai chiến dịch “trả hàng hóa không cần lý do,” cụ thể, trong vòng 7 ngày, người tiêu dùng mua sắm thông qua hình thức online có thể trả lại mà không cần bất cứ lý do gì.

“Hiện có 640.000 cửa hàng đã tham gia vào cơ chế này. Theo đó, từ khi triển khai cơ chế này, tại Trung Quốc đã có 770 triệu lượt người tiêu dùng trả lại hàng hóa thông qua hình thức này,” ông Huống Húc thông tin.

Hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng ảnh 2Ông Trần Hữu Linh và ông Huống Húc tại buổi hội đàm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Về phía Việt Nam, ông Trần Hữu Linh cho hay, hiện Tổng cục Quản lý Thị trường là lực lượng chủ yếu của Chính phủ Việt Nam trong xử phạt vi phạm hành chính. Có đến 60% quy định về xử phạt hành chính thuộc thẩm quyền của Quản lý Thị trường.

“Trung bình một năm, lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra 80.000-100.000 vụ, xử lý 60.000-70.000 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước khoảng 30 triệu USD,” ông Trần Hữu Linh nói.

Thông tin thêm, ông Linh cho hay, ở Việt Nam hiện nay, việc xâm phạm sở hữu trí tuệ và hàng giả rất lớn, hàng giả tại Việt Nam xuất hiện dưới hai hình thức là sản xuất trong nước và nhập lậu.

Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn lực lượng quản lý thị trường đã xử lý gần 17.000 vụ việc liên quan đến hàng giả, song lực lượng cũng gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ bởi thẩm quyền của quản lý thị trường Việt Nam không được bao trùm và rộng như Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường nhà nước Trung Quốc, làm cho chất lượng xử lý các vụ việc chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang ký nhiều Hiệp định thương mại tư do với các nước, qua đó đòi hỏi công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ rất cao, đi cùng với đó trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường đối với lĩnh vực này là rất lớn.

Theo ông Linh, trong thời gian qua, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã chủ động đề xuất với Tổng cục Quản lý Thị trường trong việc phòng chống hàng giả, nhất là khi thương mại điện tử đang phát triển. Tuy vậy, trong vòng 3-4 năm trở lại đây, đặc biệt sau đại dịch COVIVD-19, tốc độ mua hàng qua hình thức online rất lớn, đi cùng với đó là vấn nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường mua bán online, đây là khó khăn lớn nhất của lực lượng quản lý thị trường.

Về chính sách, tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án Chống hàng giả trên Thương mại Điện tử, trong đó Bộ Công Thương là Tổ trưởng của Tổ công tác triển khai đề án này.

“Tổ công tác đang gấp rút xây dựng chương trình, hành động để ngăn chặn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử,” ông Linh cho hay.

Hợp tác chia sẻ thông tin

Đại diện Tổng cục Quản lý Thị trường cho biết cũng giống như Trung Quốc, hiện công tác An toàn Thực phẩm được Chính phủ, các bộ ngành của Việt Nam đặc biệt quan tâm. Việc quản lý An toàn Thực phẩm tại Việt Nam trách nhiệm chính được giao cho Bộ y tế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương là thành viên có trách nhiệm tham gia cùng. Do Tổng cục Quản lý Thị trường có chức năng đi xử phạt vi phạm hành chính, vì thế là lực lượng chủ yếu đi kiểm tra và xử phạt đối với lĩnh vực này.

Theo báo cáo, trong 3 năm gần đây, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 42.000 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm. Tổng cục Quản lý Thị trường cũng thường xuyên có kế hoạch triển khai chuyên đề trong lĩnh vực này, như: Tháng an toàn thực phẩm, cao điểm kiểm tra về an toàn thực phẩm dịp Trung Thu, trước, trong và sau Tết Nguyên đán…

Trong khi đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia của Việt Nam chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, Ủy ban này chủ yếu xây dựng chính sách, tuyên truyền vận động giải quyết thắc mắc của người tiêu dùng. Vấn đề xử phạt lại là trách nhiệm của quản lý thị trường.

Do vậy, từ năm 2018, Tổng cục Quản lý Thị trường triển khai và đẩy mạnh hoạt động của Tổng đài hotline trong tiếp nhận thông tin cũng như tố giác của người tiêu dùng. Mỗi địa phương đều có hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng.

“Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến công tác này nhằm lành mạnh thị trường, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài,” Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nói.

Hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng ảnh 3Ông Trần Hữu Linh hướng dẫn cách phân biệt hàng thật, hàng giả. (Ảnh: Đức Duy/Vieetnam+)

Nhấn mạnh giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn do vậy hàng hóa giữa hai nước thông thương rất nhiều, công tác chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ an toàn thực phẩm giữa hai Tổng cục rất quan trọng, do vậy, nhất trí với đề xuất của Tổng cục Quản lý Giám sát Thị trường Nhà nước Trung Quốc, ngay sau khi được ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU), Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo rất cụ thể, đề nghị Tổng cục Quản lý Thị trường làm đầu mối xây dựng kế hoạch chi tiết.

Với nội dung trên, hai bên sẽ chia sẻ thông tin lẫn nhau trong nhận diện vi phạm về hàng giả; hàng năm sẽ tổ chức họp, cập nhật thông tin cũng như nhất trí về việc thành lập Tổ công tác; đẩy mạnh công tác đào tạo, cập nhật những kiến thức về phòng chống vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả và an toàn thực phẩm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục