Lễ hội Aza và nghề dệt zèng là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng cao huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế, luôn hấp dẫn khách phương xa mỗi khi có dịp đến đây.
Lễ hội Aza (Lễ hội cầu mùa) là lễ hội lớn nhất ở A Lưới, được gắn với tục đâm trâu nên gọi là lễ hội cầu mùa lớn. Lễ hội Aza thường được tổ chức vào thời điểm kết thúc của một năm làm việc cũ và mở ra một năm làm việc mới. Đây cũng là nơi tập trung đầy đủ các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian như âm nhạc, múa, hội họa… với tính nguyên hợp mang đậm truyền thống, bản sắc các dân tộc ở huyện A Lưới.
Trước ngày tổ chức Aza, người Pacô lên nương hoặc ra những mảnh ruộng của mình để tuốt những gốc rạ còn lại, thể hiện sự tri ân cây lúa vì đã mang lại cái bụng no cho dân làng với những chén cơm trắng, những cái bánh aquat dẻo thơm. Lễ vật để cúng Aza nào cơm trắng, xôi, bánh aquat, gà, heo, vịt, dê.
Ngoài ra, còn có một lễ vật hết sức linh thiêng và không thể thiếu để thực hiện một nghi lễ trong quá trình tổ chức Aza là tâng họt - một loại hoa làm từ tre và những tấm zèng. Nhà nào cũng muốn mang những lễ vật quý nhất để cúng thần linh. Sau khi các gia đình đã chuẩn bị xong, thời gian cả làng bắt đầu tiến hành Aza đã đến, một chức sắc của làng thừa lệnh trưởng làng đánh lên những tiếng kẻng báo hiệu: thời khắc Aza đã đến.
Thời xưa, người ta dùng mõ tre hoặc trống da dê để đánh báo hiệu, khi đó, người làng còn ít và ở quanh nhà trưởng làng. Nay do người làng đông hơn và đến ở những chỗ xa hơn, vì vậy, phải dùng kẻng mới báo hiệu được. Sau tiếng kẻng ngân vang, nhà nhà trong làng thắp hương, đốt đèn và bắt đầu cúng thần linh. Các thần linh được cúng trong lễ Aza bao gồm Giàng Tro - giống như Thần Nông của người Kinh, đại diện cho cây trồng; Giàng Pơnanh - thần Chăn nuôi, đại diện cho gia súc; Giàng Panuôn - thần Buôn bán; Giàng Sưtarinh - Thần Đất, đại diện đất đai và thời tiết.
Bên cạnh đó, mỗi gia đình, dòng họ có giàng riêng của mình cũng được cúng trong dịp này. Khi cúng các giàng, đồng bào Pacô muốn tạ ơn các giàng đã ban phát phúc lành, tạo nên những mùa màng no ấm; đồng thời, mong muốn các giàng giúp đỡ trong năm mới phát đạt cho gia đình, dòng họ, cây cỏ tốt tươi.
Tổ chức cúng giàng chung của làng xong, trưởng làng đánh chiêng báo hiệu sự mừng vui của làng cho mùa mới, năm mới bắt đầu. Trưởng làng đánh chiêng trong sự hòa điệu, hoà nhịp bởi tiếng trống da dê của một thanh niên khác. Điều này thể hiện sự chuyển giao đất trời và sự tiếp nối qua thời gian các truyền thống của làng. Vừa dứt giai điệu chiêng - trống ngân vang ấy, nam thanh nữ tú trong làng bắt đầu đi vòng quanh nơi cúng giàng của làng và múa điệu pơchiêngcoon. Đây là điệu múa đầu tiên trong lễ Aza của đồng bào Pacô.
Để tái hiện công việc nương rẫy của mùa đã qua, các cô gái trong làng múa điệu tuốt lúa, qua đó thể hiện mong muốn mùa màng mới bội thu. Lễ hội Aza không chỉ là lễ cầu mong được mùa mà còn gồm nhiều nội dung khác như cầu xin thần linh cho dân làng được sống yên vui, không ốm đau, dịch bệnh hoặc để giải tỏa những bất hòa giữa hai làng, hai họ tộc với nhau… do đó, lễ hội không chỉ để cúng thần nông nghiệp mà bao gồm cả một tập đoàn Yang: Yang núi rừng, sông suối, Yang Trời Đất….
Vì tính chất của Lễ hội nên Aza là nơi tập trung khá đầy đủ các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian như âm nhạc, múa, hội họa… với tính nguyên hợp của chúng nên cũng là nơi bộc lộ tương đối đậm đặc truyền thống, bản sắc của tộc người.
Điều đặc biệt là, quanh không gian thực hiện lễ Aza, những tấm zèng được treo tạo thành một gian hành lễ; tùy mỗi gia đình mà cách treo các tấm zèng khác nhau. Có lẽ vì thế mà lễ hội Aza và nghề dệt zèng có những gắn kết riêng. Khi đến A Lưới, được nghe những âm thanh lạch cạch từ khung cửi, dệt nên những nét đẹp tinh túy của đất trời, thiên nhiên và mùa xuân ban tặng cho con người nơi đây lên những tấm zèng. Hình ảnh những cô gái dân tộc thướt tha trong bộ váy thổ cẩm đẹp với đủ màu sắc hoa văn các dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, Pa Hy, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, đã làm say lòng người khi đến với vùng cao A Lưới.
Dệt zèng còn là nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc A Lưới. Sản phẩm vải zèng chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và văn hóa của đồng bào các dân tộc. Ngày nay, dệt zèng phát triển hơn, có tính thẩm mỹ cao nên được đồng bào yêu thích. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều hợp tác xã sản xuất quy mô lớn như ở thị trấn A Lưới, xã Phú Vinh, xã Nhâm, xã A Roàng. Ở một số bản làng gần như 100% hộ dân đều tham gia dệt zèng. Với giá từ 600.000 đến 700.000 đồng/tấm zèng loại thường và từ 1 đến 1,5 triệu đồng loại đính cườm, ngày càng nhiều người theo nghề và sống được với nghề. Bởi, dù chỉ tận dụng thời gian nhàn rỗi, nhưng mỗi người cũng có thể thu được 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ Dự án Du lịch tiểu vùng sông Mekong triển khai tại A Lưới, việc hình thành một số mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp giới thiệu các sản phẩm truyền thống với tour, tuyến du lịch đã góp phần phát triển bền vững nghề dệt zèng.
Đến nay, dự án đã hình thành một số mô hình du lịch tại các thôn A Ka và A Chi, xã A Roàng và thôn A Hưa, xã Nhâm ở huyện A Lưới với các dịch vụ văn nghệ, nấu ăn, hướng dẫn, lưu trú; phát hành ấn phẩm quảng bá tiềm năng du lịch A Lưới, tập huấn kỹ năng du lịch cộng đồng cho người dân, xây dựng nhà nghỉ cộng đồng... thu hút trên 1.600 lượt người tham gia.
Khách du lịch đến đây sẽ được tham quan làng, bản, di tích lịch sử, làng nghề dệt zèng, đan lát; thưởng thức đặc sản ẩm thực, du ngoạn hồ nước nóng, lễ hội, âm nhạc... Đây chính là cách tiếp cận nhanh nhất để giới thiệu và bán các sản phẩm du lịch đặc trưng từ nghề zèng.
Do mang những nét độc đáo và thú vị như vậy nên mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa Lễ hội Aza và dệt zèng của huyện A Lưới, là hai trong số 19 danh mục di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của địa phương này vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.../.
Lễ hội Aza (Lễ hội cầu mùa) là lễ hội lớn nhất ở A Lưới, được gắn với tục đâm trâu nên gọi là lễ hội cầu mùa lớn. Lễ hội Aza thường được tổ chức vào thời điểm kết thúc của một năm làm việc cũ và mở ra một năm làm việc mới. Đây cũng là nơi tập trung đầy đủ các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian như âm nhạc, múa, hội họa… với tính nguyên hợp mang đậm truyền thống, bản sắc các dân tộc ở huyện A Lưới.
Trước ngày tổ chức Aza, người Pacô lên nương hoặc ra những mảnh ruộng của mình để tuốt những gốc rạ còn lại, thể hiện sự tri ân cây lúa vì đã mang lại cái bụng no cho dân làng với những chén cơm trắng, những cái bánh aquat dẻo thơm. Lễ vật để cúng Aza nào cơm trắng, xôi, bánh aquat, gà, heo, vịt, dê.
Ngoài ra, còn có một lễ vật hết sức linh thiêng và không thể thiếu để thực hiện một nghi lễ trong quá trình tổ chức Aza là tâng họt - một loại hoa làm từ tre và những tấm zèng. Nhà nào cũng muốn mang những lễ vật quý nhất để cúng thần linh. Sau khi các gia đình đã chuẩn bị xong, thời gian cả làng bắt đầu tiến hành Aza đã đến, một chức sắc của làng thừa lệnh trưởng làng đánh lên những tiếng kẻng báo hiệu: thời khắc Aza đã đến.
Thời xưa, người ta dùng mõ tre hoặc trống da dê để đánh báo hiệu, khi đó, người làng còn ít và ở quanh nhà trưởng làng. Nay do người làng đông hơn và đến ở những chỗ xa hơn, vì vậy, phải dùng kẻng mới báo hiệu được. Sau tiếng kẻng ngân vang, nhà nhà trong làng thắp hương, đốt đèn và bắt đầu cúng thần linh. Các thần linh được cúng trong lễ Aza bao gồm Giàng Tro - giống như Thần Nông của người Kinh, đại diện cho cây trồng; Giàng Pơnanh - thần Chăn nuôi, đại diện cho gia súc; Giàng Panuôn - thần Buôn bán; Giàng Sưtarinh - Thần Đất, đại diện đất đai và thời tiết.
Bên cạnh đó, mỗi gia đình, dòng họ có giàng riêng của mình cũng được cúng trong dịp này. Khi cúng các giàng, đồng bào Pacô muốn tạ ơn các giàng đã ban phát phúc lành, tạo nên những mùa màng no ấm; đồng thời, mong muốn các giàng giúp đỡ trong năm mới phát đạt cho gia đình, dòng họ, cây cỏ tốt tươi.
Tổ chức cúng giàng chung của làng xong, trưởng làng đánh chiêng báo hiệu sự mừng vui của làng cho mùa mới, năm mới bắt đầu. Trưởng làng đánh chiêng trong sự hòa điệu, hoà nhịp bởi tiếng trống da dê của một thanh niên khác. Điều này thể hiện sự chuyển giao đất trời và sự tiếp nối qua thời gian các truyền thống của làng. Vừa dứt giai điệu chiêng - trống ngân vang ấy, nam thanh nữ tú trong làng bắt đầu đi vòng quanh nơi cúng giàng của làng và múa điệu pơchiêngcoon. Đây là điệu múa đầu tiên trong lễ Aza của đồng bào Pacô.
Để tái hiện công việc nương rẫy của mùa đã qua, các cô gái trong làng múa điệu tuốt lúa, qua đó thể hiện mong muốn mùa màng mới bội thu. Lễ hội Aza không chỉ là lễ cầu mong được mùa mà còn gồm nhiều nội dung khác như cầu xin thần linh cho dân làng được sống yên vui, không ốm đau, dịch bệnh hoặc để giải tỏa những bất hòa giữa hai làng, hai họ tộc với nhau… do đó, lễ hội không chỉ để cúng thần nông nghiệp mà bao gồm cả một tập đoàn Yang: Yang núi rừng, sông suối, Yang Trời Đất….
Vì tính chất của Lễ hội nên Aza là nơi tập trung khá đầy đủ các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian như âm nhạc, múa, hội họa… với tính nguyên hợp của chúng nên cũng là nơi bộc lộ tương đối đậm đặc truyền thống, bản sắc của tộc người.
Điều đặc biệt là, quanh không gian thực hiện lễ Aza, những tấm zèng được treo tạo thành một gian hành lễ; tùy mỗi gia đình mà cách treo các tấm zèng khác nhau. Có lẽ vì thế mà lễ hội Aza và nghề dệt zèng có những gắn kết riêng. Khi đến A Lưới, được nghe những âm thanh lạch cạch từ khung cửi, dệt nên những nét đẹp tinh túy của đất trời, thiên nhiên và mùa xuân ban tặng cho con người nơi đây lên những tấm zèng. Hình ảnh những cô gái dân tộc thướt tha trong bộ váy thổ cẩm đẹp với đủ màu sắc hoa văn các dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, Pa Hy, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, đã làm say lòng người khi đến với vùng cao A Lưới.
Dệt zèng còn là nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc A Lưới. Sản phẩm vải zèng chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và văn hóa của đồng bào các dân tộc. Ngày nay, dệt zèng phát triển hơn, có tính thẩm mỹ cao nên được đồng bào yêu thích. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều hợp tác xã sản xuất quy mô lớn như ở thị trấn A Lưới, xã Phú Vinh, xã Nhâm, xã A Roàng. Ở một số bản làng gần như 100% hộ dân đều tham gia dệt zèng. Với giá từ 600.000 đến 700.000 đồng/tấm zèng loại thường và từ 1 đến 1,5 triệu đồng loại đính cườm, ngày càng nhiều người theo nghề và sống được với nghề. Bởi, dù chỉ tận dụng thời gian nhàn rỗi, nhưng mỗi người cũng có thể thu được 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ Dự án Du lịch tiểu vùng sông Mekong triển khai tại A Lưới, việc hình thành một số mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp giới thiệu các sản phẩm truyền thống với tour, tuyến du lịch đã góp phần phát triển bền vững nghề dệt zèng.
Đến nay, dự án đã hình thành một số mô hình du lịch tại các thôn A Ka và A Chi, xã A Roàng và thôn A Hưa, xã Nhâm ở huyện A Lưới với các dịch vụ văn nghệ, nấu ăn, hướng dẫn, lưu trú; phát hành ấn phẩm quảng bá tiềm năng du lịch A Lưới, tập huấn kỹ năng du lịch cộng đồng cho người dân, xây dựng nhà nghỉ cộng đồng... thu hút trên 1.600 lượt người tham gia.
Khách du lịch đến đây sẽ được tham quan làng, bản, di tích lịch sử, làng nghề dệt zèng, đan lát; thưởng thức đặc sản ẩm thực, du ngoạn hồ nước nóng, lễ hội, âm nhạc... Đây chính là cách tiếp cận nhanh nhất để giới thiệu và bán các sản phẩm du lịch đặc trưng từ nghề zèng.
Do mang những nét độc đáo và thú vị như vậy nên mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa Lễ hội Aza và dệt zèng của huyện A Lưới, là hai trong số 19 danh mục di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của địa phương này vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.../.
Quốc Việt (TTXVN)