Hưng Yên ứng dụng VietGAP sơ chế quả có múi

Hưng Yên ứng dụng thành công công nghệ bọc màng bán thấm trong sơ chế bảo quản quả cam, quýt, nâng giá trị thương phẩm lên 65%.
Tỉnh Hưng Yên đã ứng dụng thành công công nghệ bọc màng bán thấm trong sơ chế bảo quản quả cam, quýt, nâng giá trị thương phẩm lên 65%.

Đây là công nghệ nằm trong quy mô dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP và bảo quản hoa, củ, quả có múi bằng chế phẩm sinh học nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên địa bàn.

Các sản phẩm cam Vinh và quýt đường canh tại các mô hình thuộc xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên và Minh Châu, huyện Yên Mỹ đã được sơ chế bằng phương pháp bảo quản trên cây và bảo quản sau khi thu hoạch.

Trong giai đoạn quả chín kỹ thuật (vỏ quả chuyển màu vàng 75-80%), cam và quýt được phun một lần chế phẩm sinh học Retain, giúp cho quả kéo dài thời gian chín 45-60 ngày so với quả không qua sơ chế.

Phương pháp trên giúp tăng kích thước tự nhiên và độ cứng của quả trong giai đoạn chín cây, đồng thời giảm đáng kể hiện tượng rụng quả trước khi thu hoạch và không ảnh hưởng xấu tới quá trình sinh trưởng của cây.

Sau khi thu hoạch, cam, quýt được lựa chọn theo tiêu chuẩn gồm vỏ quả chuyển màu vàng đạt 85-90%, ít xây xước, bầm dập, không nhiễm nấm bệnh… Quả được rửa vệ sinh rồi nhúng dung dịch bọc màng bán thấm Coating. Kết quả, sản phẩm sơ chế sau gần hai tháng vẫn giữ được chất lượng tốt, mã quả đẹp, góp phần tăng giá trị thương phẩm lên 60% so với quả thu hái đưa ra bán ngay trên thị trường.

Ưu điểm của các phương pháp sơ chế, bảo quản này là quy trình kỹ thuật đơn giản, chi phí đầu tư thấp (1,5-2 triệu đồng/1 tấn quả), đưa lại hiệu quả kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Hiện nay, Hưng Yên có gần 1.900ha diện tích trồng cam, quýt, cho thu hoạch hơn 30.000 tấn quả mỗi năm. Sản phẩm cam Hưng Yên được thị trường đánh giá có chất lượng vượt trội so với các địa phương khác.

Tỉnh dự kiến sẽ mở rộng ứng dụng công nghệ sơ chế bảo quản bằng chế phẩm sinh học này nhằm xây dựng thương hiệu nhằm mục tiêu đưa sản phẩm ra tiêu thụ trên thị trường quốc tế, đồng thời nghiên cứu khuyến khích đầu tư, nhân rộng mô hình sản xuất đại trà đối với các loại trái cây khác như nhãn, chuối, bưởi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục