Kiểm kê khí nhà kính là bước đầu tiên trong việc doanh nghiệp chuyển đổi chiến lược kinh doanh hướng đến phát thải ròng bằng 0 (Net Zero).
Sau khi biết được tổng lượng phát thải, doanh nghiệp căn cứ vào dữ liệu thu thập để tìm hiểu nguồn thải chiếm đa số đến từ đâu để đánh giá nguồn thải nào có thể giảm bớt và xác định mục tiêu giảm thải cụ thể. Trên cơ sở này, một kế hoạch hành động cụ thể sẽ được xây dựng, triển khai thực hiện và giám sát các hoạt động giảm phát thải hướng tới mục tiêu đã đặt ra.
Đây là nội dung được trao đổi tại Lễ ra mắt Sổ tay Hướng dẫn Báo cáo Phát thải Khí nhà kính và Chương trình đào tạo về “Kiểm kê và Báo cáo Khí nhà kính,” do Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Tổ chức Tài Chính Quốc tế (IFC) tổ chức, ngày 8/8.
Thúc đẩy tài chính xanh
Phó Chủ tịch Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn cho biết Chương trình được triển khai trong khuôn khổ hợp tác giữa Ủy ban với Tổ chức Tài chính Quốc tế nhằm nâng cao nhận thức và thực thi các tiêu chuẩn phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy tài chính xanh hướng tới một nền kinh tế carbon thấp tại Việt Nam.
Ông Sơn nhấn mạnh thị trường vốn đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch nền kinh tế Việt Nam theo hướng carbon thấp và nâng cao khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, thông qua nỗ lực huy động nguồn vốn xanh.
[‘Biến đổi khí hậu có thể khiến 1 triệu người Việt nghèo vào năm 2030’]
“Việc thúc đẩy tài chính xanh và tài chính bền vững là ưu tiên dài hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong thời gian qua, Ủy ban đã tích cực kêu gọi sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tạo một nền tảng bền vững cho mục tiêu này,” ông Phạm Hồng Sơn nói.
Theo ông Sơn, Việt Nam đã đạt những kết quả khả quan về xây dựng hệ thống văn bản pháp quy điều chỉnh tài chính bền vững, nâng cao các tiêu chuẩn về quản trị công ty và công bố thông tin gắn với các tiêu chí về phát triển bền vững. Từ đó, năng lực và nhận thức của cả cơ quan quản lý và các thành viên thị trường, nhà đầu tư về các công cụ tài chính xanh và phát triển bền vững đã được nâng cao.
Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Thông tư số 96/2020/TT-BTC thay thế Thông tư 155/TT-BTC với những bước cải thiện, trong đó nâng cao tiêu chuẩn công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững, như yêu cầu các doanh nghiệp công bố thông tin phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp tại Báo cáo thường niên.
Ngoài ra, Sổ tay Hướng dẫn Báo cáo Phát thải Khí nhà kính được xây dựng nhằm giúp các doanh nghiệp thực hiện kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính dễ dàng hơn. Sổ tay cũng tư vấn cho các doanh nghiệp đáp ứng các quy định của pháp luật và các yêu cầu liên quan đến công bố thông tin về khách hàng và chuỗi cung ứng cũng như giúp các doanh nghiệp bắt đầu hành trình hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế
Phó Chủ tịch Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước cho biết thông qua các chương trình đào tạo này, các thành viên tham dự được tìm hiểu về bối cảnh quốc tế, nguyên nhân và cơ chế của biến đổi khí hậu cũng như các nguồn phát thải khí nhà kính. Các doanh nghiệp sẽ được hướng dẫn về các vấn đề và nội dung cần đưa vào báo cáo, quy trình, cách thức tổ chức báo cáo và kiểm kê khí nhà kính theo Tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018.
Nói cách khác, sổ tay hướng dẫn và chương trình đào tạo sẽ cụ thể hóa những thông tin diễn ra hàng ngày trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp theo một quy trình đúng đắn.
“Từ đó, các doanh nghiệp có thể tự công bố các thông tin này một cách công khai, minh bạch và hiệu quả, góp phần tuân thủ các quy định về công bố thông tin đồng thời đề ra được đường lối hoạt động sao cho vừa tăng trưởng mà vẫn đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững,” ông Phạm Hồng Sơn nói.
Bà Nguyễn Thiên Hương, chuyên gia của IFC, cho biết hiện đã có rất nhiều tài liệu khác nhau liên quan đến kiểm kê và báo cáo khí nhà kính, song cuốn Sổ tay này có hướng dẫn ngắn gọn, tổng hợp các kiến thức cơ bản, các tiêu chuẩn và thực hành liên quan, nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận được những thông tin nhanh chóng trong quá trình lập kế hoạch, thực hiện báo cáo.
Cụ thể, Sổ tay chia làm ba phần: Phần đầu cung cấp thông tin bối cảnh chung, các khái niệm định nghĩa liên quan đến khí nhà kính, phát thải ròng bằng 0, Carbon dioxit tương đương, tiềm năng nóng lên toàn cầu (GWP). Phần thứ hai, Sổ tay cung cấp thông tin về các quy định và tiêu chuẩn của Việt Nam cũng như chuẩn mực và thông lệ quốc tế đang có hiệu lực liên quan đến kiểm kê và báo cáo khí nhà kính.
“Đây là những quy định về đối tượng doanh nghiệp ngành nghề phải thực hiện báo cáo khí nhà kính của Việt Nam, các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế đã được Việt Nam công nhận và cơ sở dữ liệu liên quan đang rất thông dụng trên thị trường quốc tế,” bà Hương nói.
Phần thứ ba là nội dung phần trọng tâm, giới thiệu quy trình kiểm kê và báo cáo khí nhà kính ở cấp độ tổ chức. Trong đó, các bước cơ bản nhất của quá trình kiểm kê và lập báo cáo được giới thiệu ngắn gọn mang tính thực hành, như xác định phạm vi và ranh giới phát thải cho tổ chức, năm cơ sở, các nguồn phát thải, định lượng và báo cáo. Cách thức xác định các biện pháp có thể được áp dụng để giảm hoặc loại bỏ phát thải khí nhà kính, thẩm tra và thẩm định phát thải.
“Chương trình đào tạo sử dụng cuốn hướng dẫn làm nền tảng và cố gắng mang tính thực hành cao nhất. Một trong những mục tiêu quan trọng là sau khóa học, các doanh nghiệp niêm yết, các doanh nghiệp trong danh sách phải thực hiện kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính sẽ bắt tay vào lên kế hoạch để chuẩn bị cho kịp với các thời hạn đã được đặt ra trong các văn bản liên quan,” bà Hương cho hay./.
Việt Nam là một trong những quốc gia phải đối mặt và chịu thiệt hại nặng nề từ các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Nhận thức được những thách thức đó đồng thời triển khai cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Quyết định 01/2022/QĐ-TTG ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Với nền tảng này, các bộ, ngành, địa phương đang xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững mà Chính phủ đặt ra. |