"Huy động cả hệ thống chính trị xây nông thôn mới"

Thủ tướng chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

Tại Hội nghị trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các huyện chỉ đạo điểm, để triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, tổ chức ngày 6/8, ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: quán triệt và triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Chính phủ đã xây dựng và ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đây thực sự là một cuộc vận động cách mạng, cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp cùng tham gia.

Cần thống nhất nhận thức một cách sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Có thể nói, đây là Chương trình cụ thể hóa một nội dung rất cơ bản, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng nói.

"Đó cũng không phải là một dự án đầu tư xây dựng hạ tầng mà là một chương trình phát triển tổng hợp, cả về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, là chương trình cả Đảng và Nhà nước cùng chăm lo phát triển đời sống của nhân dân trên địa bàn nông thôn hay nói cách khác là chăm lo cho 70% dân số của đất nước,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Để cụ thể hóa Chương trình, hiện thực hóa quan điểm nghị quyết của Đảng về xây dựng nông thôn mới ở tất cả các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh phải làm ngay, làm quyết liệt nhưng kiên trì, liên tục với các giải pháp đồng bộ, phát động được, nuôi dưỡng được, có hiệu quả và rút kinh nghiệm để triển khai tốt hơn, tạo thành phong trào xây dựng nông thôn mới trên từng xã, từng huyện, từng tỉnh và toàn quốc.

Điều này đòi hỏi công tác tổ chức chỉ đạo phải có lộ trình bước đi phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm và trước hết, phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là một nội dung trong cuộc vận động của các tổ chức Hội, đoàn thể, đưa hệ thống các tổ chức này vào tạo thành sức mạnh của phong trào, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các tỉnh thành lập Ban chỉ đạo mà Trưởng ban là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh hoặc Bí thư Tỉnh ủy và lập chương trình kế hoạch công tác từng năm, hàng năm có kiểm điểm sơ kết, thực hiện chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới ở các xã có các điều kiện ở mức trung bình để có thể nhân rộng dễ dàng hơn.

Các tỉnh cũng cần đưa các nội dung của Chương trình vào chương trình hành động của các cấp ủy Đảng trong nhiệm kỳ tới.

Nhấn mạnh về công tác quy hoạch, Thủ tướng chỉ rõ: việc quy hoạch phải đi trước một bước, tránh việc làm rồi lại phá, gây lãng phí lớn. Trên cơ sở hiện trạng quy hoạch sẵn có của từng địa phương để rà soát, bổ sung, cái gì hợp lý thì tận dụng, cái gì chưa hợp lý thì điều chỉnh. Tuy nhiên, cần phải tôn trọng thực tế quy hoạch sẵn có.

Thủ tướng đề nghị ba nhóm vấn đề gồm bố trí mặt bằng không gian cho quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất trong đó phải giữ diện tích đất lúa; quy hoạch hạ tầng giao thông, thủy lợi, trụ sở thôn xã; quy hoạch cụm dân cư hợp lý, có hạ tầng đầy đủ để đưa dân về, cải thiện đời sống nhân dân.

Việc quy hoạch do chính quyền xã đứng ra chủ trì nhưng phải có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân, nội hàm nội dung quy hoạch phải thiết thực, phù hợp; phấn đấu trong năm 2011 lập xong quy hoạch để triển khai các nội dung Chương trình.

Hội nghị nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của các đại biểu đối với các mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã và năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

Tham góp ý kiến tại hội nghị, các tỉnh Thái Bình, Phú Thọ, Nam Định, Lào Cai, Điện Biên, Bến Tre, Kon Tum, Quảng Nam, Bạc Liêu... đã nêu những thuận lợi, khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời bày tỏ quyết tâm huy động cả hệ thống chính trị, cùng nhân dân, doanh nghiệp chung tay thực hiện, phấn đấu hoàn thành vượt trước mục tiêu cụ thể của Chương trình.

Đối với những kiến nghị của các tỉnh về vấn đề kinh phí quy hoạch, nguồn lực triển khai Chương trình... Thủ tướng khẳng định sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho các địa phương.

Tùy từng địa phương, Chính phủ sẽ có mức điều chỉnh cụ thể, song, theo Chương trình, Nhà nước đã đảm bảo tới 40% vốn thực hiện, trong đó 23% vốn là từ lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ đang và sẽ tiếp tục triển khai; 17% là vốn trực tiếp cho riêng Chương trình.

Còn 60% vốn là từ vốn tín dụng, vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các loại hình kinh tế và huy động đóng góp của cộng đồng dân cư.

Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh rà soát hiện trạng để xác định thứ tự ưu tiên đầu tư cho từng tiêu chí cụ thể; trong đó tập trung ưu tiên cho việc cải cách thể chế, đào tạo nguồn lực và hạ tầng kỹ thuật; đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, phải coi đây là mục tiêu quan tâm hàng đầu.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gồm 11 hợp phần với 31 nội dung cụ thể, xác định rõ mục tiêu, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương.

Trong năm 2010, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tập trung quy hoạch nông thôn mới ở các xã, triển khai cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới,” tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương về nông thôn mới sâu rộng trong cán bộ, nhân dân./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục