Huy động "sức mạnh mềm" của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

"Sức mạnh mềm" của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được thể hiện thông qua việc kiều bào tiếp tục giữ và nâng cao vị thế ở nước sở tại; tích cực kết nối trong và ngoài nước với nhiều hoạt động.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chủ trì gặp mặt báo chí. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chủ trì gặp mặt báo chí. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

Nhằm thông tin đến các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước về tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kết quả công tác năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024, giới thiệu về Chương trình Xuân Quê hương 2024, sáng 11/1, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức Chương trình Thông tin báo chí đầu năm 2024.

Triển khai toàn diện trên tất cả các kênh

Phát biểu mở đầu buổi gặp mặt báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định: "Năm 2023, công tác đối ngoại sôi nổi về hoạt động và là điểm sáng trong các thành tựu chung của đất nước. Điều này đã được khẳng định bởi các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và đánh giá rất khách quan từ dư luận quốc tế."

Đóng góp vào thành công chung đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao gửi lời cảm ơn và nhấn mạnh vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước, không chỉ đồng hành, đưa tin bài, mà còn quảng bá kết quả đạt được cũng như sự tham gia đóng góp của Bộ Ngoại giao trong công tác đối ngoại chung của đất nước, trong đó có công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Công tác đối ngoại năm 2023, trong đó có công tác người Việt Nam ở nước ngoài, được triển khai toàn diện trên tất cả các kênh (kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Nghị viện, ngoại giao nhân dân) và các cấp, từ Trung ương đến địa phương.

Trong các hoạt động đối ngoại, lãnh đạo luôn dành thời gian gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại, thể hiện trách nhiệm, tình cảm dành cho kiều bào; đồng thời, đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sinh sống, học tập, làm việc để vừa đóng góp cho sở tại, vừa đóng góp cho trong nước.

Bà con kiều bào là cầu nối rất quan trọng trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

Huy động và vận động kiều bào đóng góp cả về kinh tế lẫn chất xám

Hiện cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 6 triệu người ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển. Số lượng người Việt Nam ra nước ngoài học tập, lao động, kết hôn, đầu tư… tiếp tục tăng.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ: "Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài gồm 2 yếu tố, nhiệm vụ chủ yếu, luôn song hành với nhau, đó là vận động và huy động. Nguồn lực của kiều bào rất to lớn nên để vận động và huy động được, phải thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau."

Trước hết, Đảng và Nhà nước luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt tới đồng bào ta ở nước ngoài, thể hiện bằng văn bản của Bộ Chính trị, chương trình hành động, đề án của Chính phủ, bộ, ngành. Đối với việc sửa đổi các chính sách pháp luật, kiều bào có thể kiến nghị những mong muốn và chia sẻ kinh nghiệm hữu ích của các nước đông cộng đồng kiều bào ở nước ngoài, trong lĩnh vực có liên quan đến kiều bào.

ttxvn-1412xuanquehuong1-5560.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh chung với kiều bào tiêu biểu dự Chương trình Xuân Quê hương 2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Không chỉ tạo các điều kiện để vận động, huy động kiều bào đóng góp, cống hiến cho trong nước cả về kinh tế lẫn chất xám, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh nhiệm vụ giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng có vai trò, vị thế và củng cố địa vị pháp lý trong xã hội sở tại.

Tiêu biểu, tại Slovakia, ngày 7/6/2023, cộng đồng người Việt chính thức được Chính phủ nước này công nhận là cộng đồng dân tộc thiểu số thứ 14 của Slovakia. Điều này thể hiện sự lớn mạnh của cộng đồng, tạo điều kiện cho bà con hội nhập sâu vào xã hội sở tại và đóng góp cho sự phát triển của quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.

Cùng với đó là các chủ trương, chính sách hỗ trợ, vận động để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống, đặc biệt là tiếng Việt. "Đây không phải là nhiệm vụ, vấn đề của riêng công tác người Việt Nam ở nước ngoài mà còn là thách thức đối với cộng đồng kiều bào của nhiều nước trên thế giới", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2022, cụ thể, ngày 8/9 hàng năm được chọn là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai Đề án, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã tích cực huy động các nguồn lực, chủ trì và phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Tiêu biểu như hành trình tìm kiếm và phong tặng danh hiệu "Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023"; Chương trình biểu diễn nghệ thuật "Tiếng Việt thân thương;" Hội thảo Ngày tôn vinh tiếng Việt năm 2023…

Song song đó, các hoạt động thường niên cũng được tổ chức như: Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt lần thứ 9 tại Hà Nội cho 60 giáo viên kiều bào về từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ; "Trại hè Việt Nam" với sự tham gia của 120 đại biểu về từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ; xây dựng Tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng người Việt tại một số nước …

Nhiều diễn đàn, hội thảo về đổi mới công tác dạy và học tiếng Việt đã được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các đơn vị tổ chức.

"Năm 2024, nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ được thực hiện chủ động hơn, triển khai bài bản hơn," Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói; đồng thời mong muốn, các kiều bào tích cực đề xuất, có thể "đặt hàng" các nhà xuất bản, ra đầu sách phù hợp hơn; thúc đẩy ứng dụng số, học trực tuyến, có những ứng dụng (apps) học tiếng Việt thân thiện trên smartphone và các thiết bị thông minh khác.

Phát huy sức mạnh mềm của kiều bào

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, "sức mạnh mềm" của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được thể hiện thông qua việc kiều bào ta tiếp tục giữ và nâng cao vị thế ở nước sở tại; các hoạt động văn hóa; tích cực kết nối trong và ngoài nước với những cử chỉ hành động đáng quý.

"Sức mạnh mềm của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài bao hàm rộng, có giá trị về mặt tinh thần, chia sẻ với nhân dân trong nước lúc khó khăn, dịch bệnh. Sức mạnh mềm thể hiện tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc," Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng thông tin dự kiến, chương trình Xuân Quê hương năm 2024 sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1-2/2/2024 (tức ngày 22-23 tháng Chạp năm Quý Mão).

Đây là chương trình thường niên dành cho người Việt Nam ở nước ngoài, sẽ có sự tham dự của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Sự kiện có quy mô lớn, thu hút sự tham dự của đông đảo kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về quê hương đón Tết, được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chờ đón mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục