Việc gì phải "bài ngoại"?

Huyền sử thiên đô: Ngoại tốt thì sao phải "bài"?

Ê-kíp làm phim phải sang Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm, mạnh tay chi cho việc thuê, mua đạo cụ cũng như sử dụng yếu tố ngoại.

Hàng trăm nghệ sĩ trong đoàn làm phim truyền hình lịch sử về Lý Công Uẩn “Huyền sử thiên đô” đang phải ngày ngày gồng mình dưới cái nắng nóng gần 40 độ để chạy nước rút hoàn thành 20 tập (trên tổng số 70 tập phim) vào tháng 9 tới, kịp cho phát sóng mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, trong khi bộ phim mới chỉ được khởi quay từ ngày 2/5 vừa qua.

Chia sẻ nhiều khó khăn với báo giới trong ngày ra mắt đoàn làm phim, song nghệ sĩ ưu tú Đặng Tất Bình với vai trò nhà điều hành sản xuất kiêm đạo diễn cũng khẳng định bộ phim sẽ hoàn thành đúng tiến độ. Và, điểm đặc biệt vị đạo diễn này cho biết là dự kiến phim sẽ có 5 phút kỹ xảo/45 phút  mỗi tập.

Trước đó, ê-kíp làm phim đã phải sang Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm dựng bối cảnh, đạo cụ… Một chi tiết được các nghệ sĩ bật mí là việc đích thân đạo diễn Tất Bình đã rất “mạnh tay” chi một số tiền lớn chỉ để mua và thuê cả chục con “ngựa chiến” mang về Việt Nam, lý do chỉ vì “ngựa Việt không quen diễn xuất.”

Vẫn phải "liệu cơm gắp mắm
"

- Xin hỏi, năm con ngựa đoàn làm phim “tậu” về giá bao nhiêu thế ạ?


Đạo diễn Tất Bình:
Cũng không ít đâu, gần tỷ bạc năm con ngựa đấy. Tôi chưa bao giờ nhận được dự án nào mà có mức đầu tư cao như của Sao Thế giới, trừ dự án Trần Thủ Độ.

- Vậy khi làm phim này, nhà đầu tư có cho anh thoải mái… tiêu tiền?

Đạo diễn Tất Bình:
Không có đâu. Chúng tôi nhận theo lối khoán chìa khóa trao tay. Nôm na thế này, tôi nhận của họ 5 đồng, làm thế nào thì làm, lời ăn lỗ chịu. Tôi phải đảm bảo được yêu cầu của họ về mặt kịch bản, bối cảnh. Trong phim thống kê 127 nhân vật, 72 cụm bối cảnh, họ sẽ đếm đủ. Làm việc với tư nhân nhiều sức ép lắm!

- Bài toán kinh phí, đó vẫn là vấn đề muôn thuở khi làm phim về lịch sử ở Việt Nam…


Đạo diễn Tất Bình:
Để làm phim thì kinh phí không bao giờ là đủ. Vì vậy người sản xuất phải biết trao đổi với nhà đầu tư trên cơ sở thống nhất ý đồ, ý tưởng và… liệu cơm gắp mắm thôi, phải quay thế nào cho tiết kiệm. Ở Việt Nam, để làm phim thì không biết thế nào cho đủ về tiền.

- Nhiều người tỏ ra lo ngại, liệu có xong 20 tập đầu kịp phát trước Đại lễ và còn 50 tập sau thì sao?


Đạo diễn Tất Bình: Chúng tôi là người thực hiện và chúng tôi sẽ nộp phim theo đúng tiến độ, 10 tập xong, độ 1 tháng tôi sẽ nộp tiếp 10 tập, rồi cứ 5 tập, 5 tập tiếp… còn phát sóng như thế nào là việc của nhà đầu tư, họ mới nắm được.

Hiện nay, chúng tôi đang tập trung ưu tiên quay 10 tập đầu. Từ ngày 15/7 trở đi chúng tôi sẽ quay hai đoàn tại hai bối cảnh. Đó là một lý do tại sao phim này có hai đạo diễn. Đến thời điểm đó thì đạo diễn Phạm Thanh Phong phải quay ở một đoàn.

Thời điểm này hoàn toàn là tôi quay vì tôi sức khỏe tốt hơn, còn Phong ở nhà chuẩn bị hậu kỳ, nháp quay về Phong ở nhà dựng ngay, đủ thời lượng 45 phút chúng tôi chuyển vào bộ lồng tiếng. Chúng tôi đang phải làm theo công nghệ cuốn chiếu. Tình thế của phim này bắt buộc người thực hiện phải làm theo phương thức như vậy, nếu không sẽ không kịp.

Ở Việt Nam chưa có ai biết quay vũ thuật


- Dường như thời gian gần đây, một số phim anh làm có sử dụng nhiều “yếu tố nước ngoài”?


Đạo diễn Tất Bình:
Tại sao chúng ta lại chối bỏ yếu tố nước ngoài nếu như cái đó tốt cho chúng ta và nó là những cái ta không biết. Tôi xin khẳng định ở Việt Nam chẳng có ai biết quay vũ thuật cả. Vậy thì tại sao chúng ta lại không mời họ. Ví dụ, một động tác gạt đao thôi họ đã quay cả nghìn phim rồi, và sẽ chỉ quay một vài lần là xong.

Hay, một bộ tóc của bà hoàng hậu làm mất hai tiếng rưỡi, cái này ở Việt Nam chưa có ai làm được. Nó không phải là tóc giả chụp lên đầu như các bạn tưởng tượng đâu mà nó là những nắm tóc “sống” được làm tại chỗ, nên chúng tôi mới phải mất hai tiếng rưỡi cho một diễn viên nữ hóa trang là vì vậy. Tại sao không tận dụng những cái họ đã đi trước, sao chúng ta cứ “bài ngoại” để làm gì? Vấn đề là họ làm theo ý của ta.

- Thế phim lịch sử về Lý Công Uẩn có sử dụng kỹ xảo không, thưa anh?


Đạo diễn Tất Bình:
Có chứ. Làm phim lịch sử thì phần kỹ xảo rất quan trọng. Trong phim này, có nhiều kỹ xảo thể hiện cảnh quay dưới nước, nhân hình… Làm sao có được trên sông cảnh năm chục chiến thuyền rầm rập tiến về trước màn hình? Cái đó người ta sẽ làm kỹ xảo, quay 20 thuyền thôi, sau sẽ nhân hình… Phần kỹ xảo của chúng tôi đang do một công ty trong nước thực hiện.

- Và, kỹ xảo sẽ chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm bộ phim này?


Đạo diễn Tất Bình:
Với khả năng của chúng tôi, với khả năng của kinh phí thì ở thời điểm này chúng tôi dự kiến bình quân mỗi một tập sẽ không quá 5 phút kỹ xảo/45 phút phim.

- Còn các diễn viên của anh, những người đang phải ngày ngày diễn xuất dưới cái nắng nóng gần 40 độ thì sao?

Đạo diễn Tất Bình: Cho đến giờ tôi chưa có điều gì không hài lòng về các diễn viên của tôi. Tôi phải cảm ơn họ rất nhiều, không chỉ ở tấm lòng và còn về khả năng diễn xuất của họ.

Cảm ơn và chúc bộ phim của anh sẽ kịp tiến độ!


Mai Anh ghi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục